Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, Người Thầy, Người Cha và Người Anh kính yêu của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Mặc dù đã đi xa nhưng Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Trải qua 50 năm, bản Di chúc của Người đã trở thành nguồn cổ vũ vô cùng to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời căn dặn kỹ càng mọi việc đối với Đảng, đối với nhân dân trong đó Người luôn đánh giá một cách nghiêm túc và quan tâm một cách chu đáo đến vấn đề bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam. Giành nhiều tâm huyết cho thế hệ rường cột tương lai của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất kỳ vọng và mong muốn tạo dựng đội ngũ cán bộ kế cận đầy sinh lực cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tiềm năng, vị trí, vai trò to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Người luôn tin tưởng và nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển. Theo Hồ Chí Minh tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên. Người khẳng định, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh.
Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đối với công tác thanh niên. Trong “Di chúc”, Người căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên nói chung là tốt, mọi việc hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1).Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc; từ thực tiễn lãnh đạo và chỉ đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng, để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Như vậy, từ vị trí và vai trò to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc, Bác đã chỉ ra tầm quan trọng đặc biệt của việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng. Luận điểm này của Người đã chỉ ra rằng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ mất nếu các thế hệ thanh niên không được chăm lo giáo dục đào tạo thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Hồng” theo tư tưởng của Bác là“quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất” (2); còn “chuyên” là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự.
Và Người còn căn dặn trong “Di chúc” đối với thế hệ thanh niên, đó là phải làm sao giữ được lửa cách mạng, tinh thần nhiệt huyết, xung phong của tuổi trẻ thì Đảng phải tạo điều kiện, phải chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên để đào tạo họ thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng. Bởi vì, đạo đức chính là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, người thanh niên cách mạng phải có đạo đức cách mạng, tránh nhận được những lời khen bai rồi sa vào tư tưởng ỷ lại, sa vào con đường chiến thắng mà đánh mất chính mình, chính bản chất của người thanh niên cộng sản. Thanh niên mà không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không thể phát huy được năng lực cũng như không được Đảng và nhân dân tin cậy giao trọng trách.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để có đức và tài, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình thì thanh niên cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập, luôn tự cải tạo. Bác nói rất cụ thể: “Thanh niên bây giờ là thế hệ vẻ vang, vì vậy nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có ích gì cho loài người” (3). Với những lời dặn dò ân cần, thiết tha như thế của Người, lớp lớp thế hệ thanh niên có thêm được sức mạnh vô cùng lớn lao, như là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng của thanh niên, khiến trong mỗi tư tưởng suy nghĩ, mỗi hành động, việc làm phải: “sống, chiến đấu, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”, đó không chỉ là khẩu hiệu mà còn là phương châm sống, phương châm hành động của thanh niên hiện nay.
Thấm nhuần và thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam đã không ngừng nổ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và thử thách để học tập, rèn luyện, trưởng thành, có đầy đủ bản lĩnh trở thành lực lượng xung kích trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, trước sự tác động của những mặt trái nền kinh tế thị trường, một bộ phận thanh niên hiện nay đang có nhiều biểu hiện tiêu cực. Đó là phai nhạt lý tưởng, sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, coi thường truyền thống cách mạng, bi quan dao động, không làm chủ được mình,… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội, bền vững của đất nước. Do đó, để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, các thế hệ thanh niên hôm nay cần phải phấn đấu, học tập và hành động theo những yếu tố sau đây:
Thứ nhất, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tư tưởng, phẩm chất chính trị của người thanh niên cộng sản. Học tập, tu dưỡng mọi lúc mọi nơi, có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Thứ hai, nhạy bén và đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động, trong phát triển kinh tế - xã hội. Không ngại khó khăn gian khổ, có ý chí vươn lên, khắc phục những nhược điểm, phát huy những ưu điểm của mình.
Thứ ba, tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, làm đội dự bị tin cậy và cánh tay đắc lực của Đảng, xứng đáng là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng.
Thứ tư, sống, chiến đấu, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khẩu hiệu cần - kiệm - liêm chính và chí công vô tư.
Thứ năm, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, tích cực tham gia xây dựng nền văn hóa và con người mới xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới.
Năm tháng đã qua đi nhưng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ còn sống mãi với bao thế hệ Việt Nam, trở thành kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước tiến trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm mươi năm qua các thế hệ thanh niên Việt Nam đã sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương vĩ đại của Người. Và ngay từ hôm nay, mỗi đoàn đoàn viên thanh niên ra sức phấn đấu để thực hiện lời Bác day, thực hiện những điều mong mỏi thiêng liêng của người “đoàn viên ra sức phát triển ưu điểm, sữa chữa khuyết điểm và tiến bộ mãi để xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng ta”.
Bài: Nguyễn Việt Hải (trường Chính trị tỉnh Đắk Nông)
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, HN, 2002, tr.510
2. Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, tr.28,
3. Bài nói chuyện tại Đại hội sinh niên lần thứ nhất, 7-5-1958