Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một Cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật và thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể, thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp.
Ý tưởng về APEC lần đầu tiên đề cập công khai trong diễn văn của Thủ tướng Ốt-xtrây-lia Bob Hawke tại Xê-un, Hàn Quốc vào ngày 31/01/1989. Mười tháng sau đó, 12 nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã nhóm họp ở cấp Bộ trưởng tại Can-bơ-rơ, Ốt-xtrây-lia để hình thành APEC. Các thành viên sáng lập gồm: Ốt-xtrây-lia, Nhật Bản, Bru-nây, Ca-na-đa, In-đô-nê-xia, Hàn Quốc, Ma- lai-xia, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Hoa Kỳ.
Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc và Đài Bắc - Trung Hoa tham gia APEC tháng 11 năm 1991. Tháng 11 năm 1993 có thêm Mê-hi-cô và Pa-poa Niu Ghi-nê tham gia. Chi-lê gia nhập APEC tháng 11 năm 1994. Đến tháng 11 năm 1998, Pê-ru, Nga và Việt Nam đã tham gia, đưa tổng số thành viên của Diễn đàn lên 21. Từ năm 1989 đến năm 1992, APEC tổ chức các cuộc đối thoại không chính thức ở cấp các quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng. Năm 1993, theo sáng kiến của Nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, APEC đã thống nhất tổ chức Hội nghị đầu tiên của các Nhà lãnh đạo kinh tế hàng năm nhằm xác lập các tầm nhìn và định hướng chiến lược cho hợp tác khu vực.
Tháng 11 năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn APEC.Trong gần 20 năm qua, diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác hàng đầu của Việt Nam về chiến lược, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, công nghệ, viện trợ phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. 17 thành viên APEC là các đối tác FTA của Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Phi-líp-pin, Thái Lan, Ốt-xtrây-lia, Niu Di-lân và Chi-lê; 18 thành viên APEC là các đối tác FTA của Việt Nam; 7 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên APEC, gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po.
Trong gần 30 năm hình thành và phát triển, APEC đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như đưa Châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, đại diện 39% dân số, 57% GDP và 49% thương mại thế giới; góp phần tích cực nâng cao năng lực hội nhập, liên kết của các nền kinh tế thành viên đang phát triển, đồng thời góp phần vào sự phát triển và liên kết kinh tế của Châu Á - Thái Bình Dương. APEC đã triển khai hơn 1.600 dự án nâng cao năng lực trị giá 23 triệu USD. Hằng năm APEC triển khai khoảng 150 dự án.
APEC đi đầu thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế thương mại và đầu tư khu vực, góp phần cắt giảm các rào cản thương mại và đầu tư. Tiên phong trong việc đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, cải cách cơ cấu, hợp tác trong các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới, kết nối, liên kết các chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, thương mại dịch vụ, góp phần hình thành và điều phối các thỏa thuận, các khu vực thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng ASEAN, Liên minh Thái Bình Dương..., hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đóng góp quan trọng vào việc củng cố hệ thống thương mại đa phương và xử lý các vấn đề toàn cầu.
(Trích Đề cương tuyên truyền năm APEC Việt Nam - Tuần lễ cấp cao APEC 2017)
Ban Biên tập