TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN
Tháng 12/2021
I. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thân thế và thuở thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi ra đi tìm đường cứu nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là Hoàng Thị Loan.
Từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình, đặc biệt là ông bà ngoại. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi thân mẫu qua đời, Người theo cha trở về Nghệ An, rồi lấy tên là Nguyễn Tất Thành, tích cực học chữ Hán và còn theo cha đi một số nơi, học thêm nhiều điều. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế, thời gian đầu học trường Pháp-Việt, sau học trường Quốc học Huế. Tháng 6-1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, tháng 8-1910 vào Phan Thiết, Bình Thuận làm giáo viên trường Dục Thanh. Tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn.
Quá trình hoạt động cách mạng
Giai đoạn 1911- 1920
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước. Ngày 5-6-1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp).
Từ năm 1912-1917, Nguyễn Tất Thành đi qua một số nước châu Phi, châu Mỹ. Giữa năm 1913, Người đến nước Anh, tham gia nhiều hoạt động, cuối năm 1917 Người mới trở lại nước Pháp.
Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp, tháng 6-1919 thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi bản yêu sách gồm 8 điểm (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc-xây (Pháp), đòi chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Giai đoạn 1921- 1930
Từ năm 1921 đến tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động: thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, dự Đại hội lần thứ I và lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp, sinh hoạt trong Câu lạc bộ Phôbua, làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Người cùng khổ...
Ngày 13-6-1923, Người rời nước Pháp đi Đức và đến thành phố Xanhpêtécbua (Liên Xô) ngày 30-6-1923.
Từ tháng 7-1923 đến tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng thuộc địa. Người hoạt động trong Quốc tế Nông dân; tham dự Đại hội II Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên; tiếp tục viết nhiều sách báo tuyên truyền cách mạng, hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp; học tập tại trường Đại học phương Đông; tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là cán bộ Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản.
Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ, ra Báo Thanh niên (1925), tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp và in thành tác phẩm Đường Cách mệnh, được xuất bản vào năm 1927.
Bác Hồ về thăm Quảng Bình, ngày 16-6-1957
Hè năm 1927, Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc đi Liên Xô, sau đó đi Đức (tháng 11-1927) rồi bí mật sang Pháp, đến nước Bỉ dự cuộc họp của Đại hội đồng liên đoàn chống đế quốc (tháng 12-1927), rồi quay lại Đức, đi Thụy Sỹ, sang Italia. Tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm (Thái Lan), rồi trở lại Trung Quốc vào cuối năm 1929.
Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giai đoạn 1930-1945
Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Tháng 6-1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin.
Tháng 10-1938, Người rời Liên Xô đến Diên An (Trung Quốc) làm việc tại Bộ chỉ huy Bát lộ quân, sau đó bắt liên lạc với tổ chức Đảng, chuẩn bị về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 28-1-1941, sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở về nước (tại cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng).
Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khuổi Nặm (Pắc Bó, Cao Bằng). Hội nghị đã xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, sáng lập Báo Việt Nam Độc lập, tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Tháng 8-1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc bắt liên lạc với Đồng minh, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian bị giam giữ, Người viết cuốn Nhật ký trong tù. Tháng 9-1943, Người được thả tự do.
Tháng 9-1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12-1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tháng 8-1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Giai đoạn 1945-1954
Những năm 1945-1946, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2-3-1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 3-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Người làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ (từ tháng 11-1946 - đến tháng 9-1955) và kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn 1954-1969
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau 2 năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, gạt Pháp ra, nhảy vào tổ chức, chỉ huy ngụy quyền, ngụy quân tay sai, viện trợ kinh tế quân sự, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta. Cả dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến đấu chống xâm lược mới. Trước bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 10-1956, tại Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Đảng.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), Người được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thắng lợi; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn lao. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Sự ra đi của Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.
Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)
II. Lịch sử, ý nghĩa của ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày hội Quốc phòng Toàn dân 22/12
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Cũng từ đó, ngày 22/12 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, cũng là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền... đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".
Chính vì vậy, vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức thành lập với 3 tiểu đội gồm 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng. 34 chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng này là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, có tinh thần kiên quyết, dũng cảm, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc.
Ngày 22/12/1944 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
chính thức làm lễ thành lập. (Ảnh tư liệu)
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ.
Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh tuy ngắn nhưng rất súc tích. Bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta như: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang. Hồ Chủ tịch nói: "...Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".
Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Chính vì ý nghĩa đó, ngày 22/12/1944 được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chấp hành chỉ thị của Hồ Chủ tịch là: "phải đánh thắng trận đầu", vì vậy ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo hạ đồn Phay Khắt (24/12) và Nà Ngần (25/12/1944) trong hoàn cảnh "ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận" và chỉ sau một tuần lễ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc.
Vào tháng 4/1945, theo quyết định của hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945 tại chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra lễ hợp nhất 2 đội: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc Quân với tên gọi mới là: Việt Nam Giải phóng quân, quân số ban đầu là 13 đại đội.
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng, là đơn vị chủ lực Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Lực lượng võ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ sau 15 ngày đã đập tan ách đế quốc thực dân và chế độ phong kiến hàng ngàn năm.
Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam.
Và trong kháng chiến chống Pháp quân đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, quân đội ta đã bước vào thời kỳ trưởng thành.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại vừa qua, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như mọi bộ phận khác của nó mang cái tên lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần thành công trong cuông cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975.
Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, gắn bó với nhân dân, tô đậm truyền thống vẻ vang mà Bác Hồ, người cha của các lực lượng võ trang Việt Nam, đã dạy: "... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng..."
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng Toàn dân.
Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Chính sách mới nổi bật:
I. HỌC SINH, SINH VIÊN TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG ĐƯỢC CẤP TIỀN ĂN, MIỄN GIẢM HỌC PHÍ
Ngoài chính sách cấp bù học phí cho người học nghề (cao đẳng, trung cấp), tỉnh Đắk Nông còn hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên với mức 600.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
HĐND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Cụ thể, tỉnh Đắk Nông sẽ hỗ trợ học phí và tiền ăn cho tất cả học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh học tập trung chính quy (kể cả liên kết đào tạo, liên thông) tại các cơ sở GDNN công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi thì ngoài chính sách cấp bù học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được hỗ trợ thêm 20% tổng mức học phí phải đóng.
Người dân tộc thiểu số ở vùng còn lại, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ với mức 60% tổng mức học phí phải đóng theo quy định.
Người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ với mức 40% tổng mức học phí phải đóng theo quy định.
Người lao động (đang làm việc có giao kết hợp đồng lao động thời hạn 36 tháng, hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) khi tham gia đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng (kể cả đào tạo các trình độ liên thông) được hỗ trợ với mức 10% tổng mức học phí.
Ngoài ra, sinh viên thuộc đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng với mức 1.000.000 đồng/người/tháng.
Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số ở vùng còn lại, thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng với mức 600.000 đồng/người/tháng.
Chính sách hỗ trợ đặc thù này sẽ được tỉnh Đắk Nông thực hiện từ ngày 01/11/2021 cho đến hết ngày 31/12/2025. Nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh chi trả.
Nguồn: Tùng Nguyên - Báo Dân Trí
II. 4 LOẠI GIẤY TỜ, THỦ TỤC QUAN TRỌNG NGƯỜI DÂN NÊN LÀM TRƯỚC 31/12/2021
1. Căn cước công dân gắn chip
Thực tế không có quy định nào bắt buộc người dân phải làm CCCD gắn chip trước tháng 12/2021 tuy nhiên nhiều địa phương vẫn khuyến khích, vận động người dân làm CCCD gắn chip trước mốc thời gian này bởi lẽ ngày 31/12/2021 là hạn cuối người dân được giảm 50% lệ phí cấp Căn cước công dân theo Thông tư 47/2021/TT-BTC.
Làm CCCD gắn chip sau 31/12/2021 lệ phí cấp căn cước sẽ trở về như cũ theo quy định tại Thông tư 59/2019/TT-BTC cụ thể:
Lệ phí chuyển đổi từ CMND 9 số, 12 số sang CCCD gắn chip: 30.000đ/ thẻ.
Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/ thẻ
Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/ thẻ.
Ngoài ra, hiện tại cuối năm nhiều địa phương cũng tái khởi động lại hoạt động cấp CCCD gắn chip nên đây là thời điểm thích hợp để người dân sắp xếp thời gian đi làm căn cước mà không còn cảnh chen lấn, xếp hàng lâu hay phải thức xuyên đêm để đợi cấp căn cước. Một điều quan trọng nữa là thời gian trả thẻ CCCD cũng sẽ nhanh hơn trước kia vì không bị gián đoạn bởi dịch bệnh nữa. Có thẻ CCCD gắn chip sớm người dân sẽ được tích hợp thông tin giúp nâng cao bảo mật thông tin cá nhân hơn.
2. Thẻ ATM gắn chip
Mới đây báo chí đăng tải thẻ từ ATM sẽ bị “khai tử” sau 31/12/2021 chắc hẳn khiến nhiều người hoang mang nhưng ngày 30/11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn 8458/NHNN-TT trong đó nhấn mạnh: Thẻ từ ATM vẫn tiếp tục được sử dụng sau ngày 31/12/2021.
Vậy có nghĩa là thẻ ATM sử dụng công nghệ từ mẫu cũ sau ngày 31/12 vẫn sẽ được hỗ trợ tại các điểm giao dịch nhưng người dân cũng nên cân nhắc đổi sang thẻ ATM gắn chip trước thời điểm 31/12/2021 vì loại thẻ này có lợi cho người sử dụng, giúp nâng cao mức độ bảo mật hơn thẻ từ, tốc độ giao dịch từ việc rút tiền hay thanh toán đều rất nhanh lại an toàn và đảm bảo được quyền lợi tối ưu của người dùng.
Hiện nay các ngân hàng cũng đã thông báo đến người dùng về quy trình cũng như cách thức đổi sang thẻ ATM gắn chip. Thủ tục đổi thẻ có thể thực hiện online tùy vào quy định của mỗi ngân hàng nên người dân hãy cân nhắc đổi sang thẻ ATM gắn chip để có lợi hơn khi sử dụng.
3. Đăng ký xe đã qua nhiều đời chủ, thiếu giấy tờ
Đây có thể là nội dung mà ít người biết đến nhưng lại đặc biệt quan trọng. Theo đó, Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định: Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.
Như vậy, sau ngày 31/12/2021 xe đã qua nhiều đời chủ mà không có/ thiếu giấy tờ mua bán sẽ không được đăng ký, sang tên.
Mốc thời gian 31/12/2021 là hạn chót để người dân lưu ý đi làm thủ tục này.
Hồ sơ thủ tục Giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người bao gồm:
+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để xuất trình
+ Nộp Giấy khai đăng ký xe
+ Nộp chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định
+ Nộp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (trong trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe).
- Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan đăng ký xe nơi cư trú.
- Thời hạn giải quyết: Sau 30 ngày, nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ phải đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.
4. Làm thủ tục đổi biển vàng cho xe kinh doanh vận tải
Theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an thì:
Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020 phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31-12-2021.
Trong đó, xe hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm: xe taxi, xe chạy hợp đồng, xe buýt,...
Từ ngày 31-12-2021, xe hoạt động kinh doanh vận tải không thực hiện đổi biển số màu vàng sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, cá nhân bị phạt từ 2-4 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp bị phạt từ 4-8 triệu đồng.
Từ quy định trên cá nhân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải chưa đổi biển vàng cần nhanh chóng đến cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện thủ tục để tránh bị phạt.
Nguồn: Thư viện pháp luật.
KHỞI NGHIỆP - LẬP NGHIỆP
GƯƠNG SÁNG GIỮA CỘNG ĐỒNG
H’Oan H’ra- Bí thư Chi đoàn, nữ trưởng buôn tiêu biểu
Với nhiệt huyết tham gia các hoạt động xã hội, làm kinh tế giỏi, tận tình giúp đỡ người dân trong buôn phát triển kinh tế, vì vậy, dù còn rất trẻ, nhưng H’Oan H’ra (SN 1992), đã được người dân ở Buôn K’nha, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (Đắk Nông) tin yêu và quý trọng bầu làm Trưởng buôn, Bí thư Chi đoàn buôn.
H’Oan H’ra luôn tích cực lao động để làm gương cho đoàn viên noi theo
Tốt nghiệp ngành Quốc tế học, Trường Đại học Đà Lạt năm 2014, thay vì tìm cơ hội làm việc ở các thành phố, H’Oan quyết định trở về quê lập nghiệp với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Sau một thời gian chủ động tìm hiểu, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng, những người đi trước về kỹ thuật chăm sóc, nâng cao năng suất cây cà phê và hồ tiêu, H’Oan mạnh dạn xin bố mẹ chuyển đổi hơn 3 ha đất của gia đình sang trồng xen canh cà phê, hồ tiêu và điều. Chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây phát triển tốt, năng suất cao mang lại thu nhập ổn định. Sau vài năm, gia đình H’Oan trở thành một trong những hộ khá giả nhất ở xã. Chỉ tính riêng năm 2020, sau khi trừ chi phí, gia đình H’Oan có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, H’Oan còn là "thủ lĩnh" gương mẫu trong các phong trào Đoàn thanh niên của xã Đắk Wil. Chị luôn nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm, đi đầu trong các phong trào, hoạt động đoàn.
H’Oan kể, năm 2017, H’Oan được bầu làm Bí thư Chi đoàn buôn K’Nha, lúc đó buôn chỉ có 5 đoàn viên. H’Oan đã cùng Ban Chấp hành Đoàn xã Đắk Wil tới từng gia đình có thanh niên để tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia sinh hoạt tổ chức Đoàn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút các thanh niên trong buôn tham gia.
Đến nay, Chi đoàn buôn K’Nha đã phát triển được 17 đoàn viên, chủ yếu là người DTTS tại chỗ, trong đó đã có 4 đoàn viên đã được kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Chi đoàn buôn K’Nha đã trở thành Chi đoàn vững mạnh của Đoàn thanh niên xã Đắk Wil.
Hồ tiêu, cà phê mang lại thu nhập cao cho gia đình H’Oan H’ra
Đặc biệt, giữa năm 2019, H’Oan được tín nhiệm bầu làm Trưởng buôn K’nha, chị luôn biết cách sáng tạo các hoạt động sôi nổi để người dân nghe và làm theo. Trong các buổi sinh hoạt Chi đoàn, Chi bộ buôn, H’Oan luôn chủ động chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, vận động đoàn viên, người dân chuyển đổi diện tích cây trồng năng suất thấp sang áp dụng các cây trồng có năng suất chất lượng cao; hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng đạt hiệu quả... Nhờ vậy, đời sống, vật chất tinh thần của người dân trong buôn ngày được nâng lên.
Buôn K’Nha có 98 hộ gia đình, gần 100% là hộ dân là người dân tộc Ê Đê. Từ một buôn khó khăn, đến nay người dân trong buôn dần nâng cao nhận thức, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế. Toàn buôn chỉ còn 5 hộ nghèo; số hộ có kinh tế khá đạt trên 60%; con em trong buôn đều được đi học, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.
Ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Wil, huyện Cư Jút cho biết: H’Oan H’ra biết cách làm dân vận khéo, kết hợp giữa nhiệm vụ của Bí thư Chi đoàn và nhiệm vụ của Trưởng buôn. Thời gian gần đây, H’Oan còn tích cực vận động các đoàn viên và Nhân dân trong buôn đóng góp quỹ làm nguồn vốn cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế. Người dân trong buôn K’Nha càng tin yêu, quý mến H’Oan.
Với những đóng góp của mình, H’Oan H’ra nhận được nhiều khen thưởng của các cấp. Năm 2021, H’Oan vinh dự là 1 trong 8 đoàn viên tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Giấy chứng nhận: Bí thư Chi đoàn người DTTS tiêu biểu khu vực Tây Nguyên.
Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển.