Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2024, ngày 15/3/2024, Ban Thường vụ Đoàn khối đã ra mắt và trao quyết định thành lập đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm gồm 20 đồng chí là cán bộ, đoàn viên, thanh niên có năng khiếu, sở trường, hiểu biết về các giá trị văn hoá, di tích lịch sử của quốc gia và địa phương.
Lễ ra mắt và trao quyết định thành lập Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa
Thực hiện nhiệm vụ của mình, trong năm đội hình đã tổ chức chương trình “Về nguồn” thăm địa chỉ đỏ tại Khu di tích Nhà lao Pleiku, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai và tổ chức đội hình thăm quan, giới thiệu, tuyên truyền về Nhà triển lãm âm thanh thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh.
1. Nhà lao Pleiku là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã sử dụng trong suốt một thời gian dài như một công cụ đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện âm thâm độc và cực kỳ nham hiểm để đàn áp phong trào cách mạng ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Năm 1925, Pháp cho xây dựng nhà tù với mục đích giam giữ tù thường phạm, phần lớn là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Năm 1940, khi phong trào đấu tranh cách mạng bùng nổ mạnh mẽ, nơi này đã trở thành nhà lao giam giữ những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước cho đến cuối năm 1972.
Tại đây, hàng nghìn tù chính trị, đặc biệt là tù chính trị người dân tộc bản địa đã bị kẻ địch giam cầm, tra tấn buộc họ phải từ bỏ ý tưởng cộng sản. Kẻ thù thực hiện chế độ giam cầm hà khắc, đầy đọa về thể xác, truy bức về tinh thần hòng khuất phục ý chí những người chiến sỹ cách mạng trong địa ngục trần gian. Nhưng âm mưu ấy của kẻ thù đã hoàn toàn thất bại. Các thế hệ những người Cộng sản bị giam cầm tại Nhà lao này đã thực sự biến nhà tù thành trường học cách mạng.
Mặc dù, hiện này Nhà lao Pleiku không còn nguyên vẹn, nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật, dấu vết minh chứng cho tội ác tàn độc của kẻ thù với nhiều hình thức tra tấn man rợ; đồng thời cũng là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh quật cường giữ gìn khí tiết của những người cộng sản yêu nước giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
2. Nhà Triển lãm Âm thanh (hay còn gọi là Bảo tàng âm thanh) thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Nông chính thức hoàn thành đưa vào phục vụ khách tham quan từ tháng 8/2019; là điểm di sản số 31 trong tổng số 41 điểm di sản thuộc Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nằm ngay tại tiền sảnh của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Nông, trong lòng thành phố Gia Nghĩa và được xây dựng khá hiện đại với tổng diện tích khoảng 200m2 được thiết kế 08 phòng với 07 mảng âm thanh riêng biệt, khép kín gồm: âm thanh của đá, âm thanh của gió, âm thanh của nước, âm thanh của gỗ, âm thanh của lửa, âm thanh của ánh sáng và âm thanh của con người tạo ra khi tương tác với nhau. Nơi đây sử dụng công nghệ hiện đại tạo nên các tác phầm tương tác cùng với các loại nhạc cụ của dân tộc thiểu số tại chổ tỉnh Đắk Nông: Đàn đá, Đinh Năm, M’Buốt, R’Let, Đinh Tak Ta… để tạo ra những khám phá, trải nghiệm lý thú cho du khách.
Trong năm 2024, đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của Đoàn khối đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, giới thiệu về Nhà triển lãm âm thanh đến với đoàn viên, thanh thiếu niên, người dân và du khách trong và ngoài tỉnh thông qua hoạt động giới thiệu trực quan tại Bảo tàng, qua việc xây dựng các video ngắn, livetreams qua mạng xã hội của cá nhân các thành viên trong Đội….
Hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về Nhà triển lãm âm thanh của đội hình
Các thành viên thực hiện các Livetreams giới thiệu về Bảo tàng âm thanh
Đây là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh trong việc tham gia giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa tới đoàn viên, thanh thiếu nhi, người dân và khách du lịch. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị văn hóa nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tin, ảnh: Đoàn khối Đắk Nông