Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta đã xuất hiện rất nhiều danh nhân tiêu biểu, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Những con người ấy được nhân dân tôn vinh, sống mãi với thời gian, là tấm gương sáng để giáo dục lòng yêu nước cho mọi thế hệ. Trên mảnh đất Tây Nguyên, vị thủ lĩnh N’Trang Lơng trong phong trào kháng chiến chống pháp (1912-1936) đã trở thành biểu tượng anh hùng cao đẹp.
Thủ lĩnh N’Trang Lơng sinh năm 1870, tại bon Pu Par (Pu Pơ) thuộc khu vực suối Đắk Dưr, dưới chân núi Nâm Drôn, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông ngày nay, ông là một người con ưu tú của đồng bào M’Nông, nhóm Biăt.
Hình ảnh: Toàn cảnh tượng đài N'Trang Lơng (nguồn: Báo Đắk Nông)
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược và bình định xong các tỉnh đồng bằng, trung châu, thực dân Pháp tiếp tục thăm dò, mở rộng địa bàn xâm lược lên Tây Nguyên. Vùng Cao nguyên M'Nông – Cao nguyên trung tâm (Plateau Central), được thực dân Pháp (cầm đầu là Henri Maitre -Trưởng phái bộ khảo sát Đồng Cao Miên) nhắm đến. Đây là vùng đất đỏ bazan trù phú, có nhiều lâm sản quý, mỏ quặng, sông, suối, cung cấp nguồn tài nguyên vô tận. Hơn nữa, Cao nguyên M'Nông là địa bàn nằm ở khu vực tiếp giáp của ba xứ Trung Kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên, được xem là nóc nhà Nam Đông Dương, thuận lợi cho việc bóc lột, khai thác kinh tế và đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào bản địa.
Cũng từ đây cuộc sống yên bình của nhân dân các dân tộc trên vùng cao nguyên M’Nông không còn được yên ổn, gót giày xâm lược của thực dân Pháp đi đến đâu cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên M’Nông bị đảo lộn đến đó. Chúng xâm chiếm núi rừng, bon rẫy, bắt dân ta đi sâu, làm nô lệ, cướp của cải hoa màu, đốt phá bon làng, nhiều người dân vô tội bị chết thảm; trong đó có vợ, con của thủ lĩnh N’Trang Lơng.
Sẵn lòng yêu nước lại thêm thù nhà, thủ lĩnh N’Trang Lơng đã đứng lên tập hợp các dân tộc vùng Tây Nguyên cùng nhau đoàn kết, quyết tâm đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng cao nguyên M'Nông. Cuộc đấu tranh diễn ra hết sức khốc liệt, kéo dài hơn ¼ thế kỷ và thu được nhiều kết quả đáng tự hào, trong đó chiến thắng vang dội nhất là chiến thắng vào cuối tháng 7 năm 1914 tại Bu Nor và đồn Bu Méra (30/7/1914, chiến thắng tại lễ kết minh giả - lễ trá hàng để giết Henri Maitre và quân lính tùy tùng; 31/7/1914, tiến công tiêu diệt đồn BuMera). Năm 1935, trong một trận truy kích của thực dân Pháp, N’Trang Lơng bị trọng thương và mất ngày 23/5/1935. Phong trào khởi nghĩa của ông gần môt năm sau cũng bị dập tắt. Tuy cuộc khởi nghĩa chưa đi đến thắng lợi cuối cùng, nhưng tinh thần của cuộc khởi nghĩa là bất diệt. Những trận đánh, những chiến công của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng đã góp phần cổ vũ đồng bào các dân tộc trên vùng Tây nguyên nói riêng và đồng bào các dân tộc cả nước nói chung không cam chịu áp bức, nô lệ, giương cao ngọn cờ độc lập, kiên cường dấu tranh chống thực dân xâm lược bảo vệ quê hương, đất nước.
Để phát huy truyền thống lịch sử của anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ mai sau; nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Được sự nhất trí của Trung ương, ban ngành các cấp, tỉnh Đắk Nôngđã xây dựng tượng đài N’Trang Lơng (năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức lễ đặt đá xây dựng tượng đài N’Trang Lơng). Đến ngày 20 tháng 12 năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông đã tổ chứcLễ Kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và Khánh thành Tượng đài N’Trang Lơng.
Hình ảnh: Tượng đài N'Trang Lơng (Nguồn: Báo Đắk Nông)
Tượng đài N’Trang Lơng được làm bằng chất liệu chính là đá Grannite & đá xanh được đưa từ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình vào. Tượng đài tọa lạc tại đồi Đắk Nút B, tổ 4, Phường Nghĩa Đức, Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Với khuôn viên có tổng diện tích là 5,9 ha; kích thước tổng thể tượng đài cao 18,5 m; Tượng cao 13 m (Tượng cao 11m, chân tượng cao 2m), phù điêu cao: 5,5 m, chiều ngang phù điêu 25 m. (Trọng lượng hơn 2000 tấn).
Tượng đài gồm 2 phần chính:
Phần Tượng:Thể hiện chân dung anh hùng N’Trang Lơng đứng oai nghiêm hướng về phía Tây Bắc,nhìn ra hồ Đắk Nông. Tượng thể hiện khí phách hiên ngang của một vị thủ lĩnh, một anh hùng dân tộctập hợp các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết cùng khởi nghĩa chống thực dân Pháp (lưng đeo gùi đựng nỏ và mũi tên, tay phải ông cầm xà gạc, tay trái cầm tẩu thuốc lá (cây xà gạc không chỉ là vật dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào bản địa tại Đắk Nông mà còn là một vũ khí dùng để chiến đấu chống giặc).
Phần phù điêu:(Gồm 4 mảng phù điêu dưới chân tượng đài) thể hiện tinh thần đoàn kết, bất khuất của nhân dân Tây Nguyên nối tiếp truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi của anh hùng dân tộcN’Trang Lơng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ.
Hình ảnh: Phù điêu số 1
Mảng phù điêu đầu tiên: Thể hiện khung cảnh yên bình, sinh hoạt cộng đồng thường ngày của đồng bào M’Nông giữa núi rừng Tây Nguyên khi thực dân Pháp chưa tới xâm lược.
Hình ảnh: Phù điêu số 2
Mảng phù điêu thứ 2: Thực dân Pháp đến xâm lược, đốt phá nương rẫy, giết hại người dân vô tội… gây nhiều đau thương, mất mát, khiến người dân căm hận.
Hình ảnh: Phù điêu số 3
Mảng phù điêu thứ 3: Thể hiện sự đoàn kết, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cùng nhau hội tụ về dưới chân núi Nâm Nung đi theo khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc N’Trang Lơngchống thực dân Pháp xâm lược.
Hình ảnh: Phù điêu số 3
Mảng phù điêu thứ 4: Đồng bào các dân tộc trên vùng Tây nguyên nói riêng và đồng bào các dân tộc cả nước nối tiếp tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa N’Trang Lơng; tiếp tục, giương cao ngọn cờ độc lập, kiên cường dấu tranh chống thực dân xâm lược bảo vệ quê hương, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đây là công trình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của anh hùng dân tộc N'Trang Lơng và nhắc nhở về những chiến công chống Pháp oanh liệt của đồng bào Tây Nguyên. Việc xây dựng tượng đài anh hùng N’Trang Lơng góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, khơi dậy khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Nông giàu đẹp. Tầm vóc của công trình, với những giá trị cao về mặt nghệ thuật, kiến trúc, tượng đài N’Trang Lơng đã tạo điểm nhấn về cảnh quan cho đô thị; trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Tin, ảnh: Đoàn cơ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông