5:57 Thứ hai, Ngày 29 Tháng 4 Năm 2024
Gửi cho bạn bè

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen
Năm 2023, tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen

Ngày Đăng: 01/02/2024, Lượt Xem: 288

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Tình hình thế giới biến động rất nhanh và phức tạp, xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, mới đây là xung đột I-xra-en - Hamas tác động tới quá trình phục hồi của nền kinh tế. Trong nước, những yếu tố phức tạp mới, tác động khá toàn diện tới nền kinh tế cùng với những khó khăn kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay đã ảnh hưởng tới việc tạo chuyển biến nhanh, tích cực cho nền kinh tế. Những vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội nội tỉnh.Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chủ động tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu tiêu dùng; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, đồng bộ, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế, tình hình thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 đã đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thểnhư sau:

I.TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG AN NINH NĂM 2023

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế -xã hội năm 2023

Có 07/11 chỉ tiêu thực hiện vượt và đạt kế hoạch (Kết cấu hạ tầng, Lao động việc làm, Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Môi trường, Nông thôn mới); 04 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch (Tăng trưởng GRDP, Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, Thu ngân sách nhà nước, Giảm nghèo), cụ thể như sau:

(1) Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,74% (Kế hoạch là 7,5%), chưa đạt kế hoạch, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên sau tỉnh Kon Tum.

GRDP bình quân đầu người ước đạt 68,02 triệu đồng (Kế hoạch là 68 triệu đồng), vượt kế hoạch.

(2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 18.668,05 tỷ đồng, đạt 88,06% kế hoạch (Kế hoạch là 21.200 tỷ đồng), chưa đạt kế hoạch.

(3) Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.150 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch và đạt 100,4% dự toán trung ương giao (Kế hoạch là trên 3.650 tỷ đồng), chưa đạt kế hoạch.

(4) Kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ nhựa hóa chung đạt 70%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,2%; tỷ lệ đảm bảo nước tưới cho diện tích có nhu cầu tưới đạt 83%, đạt kế hoạch.

(5) Lao động và việc làm: Số lao động được tạo việc làm 18.498 lượt người (Kế hoạchlà 18.200 lượt người), vượt kế hoạch; đào tạo nghề cho 8.491 người (Kế hoạchlà 4.000 người), vượt kế hoạch; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 15% (Kế hoạchlà 15%), đạt kế hoạch.

(6) Giảm nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021-2025): Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,79% (Kế hoạch là từ 3% trở lên), chưa đạt kế hoạch; riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 8,14% (Kế hoạch là từ 5% trở lên), vượt kế hoạch.

(7) Y tế: Đạt 20,2 giường bệnh/vạn dân (Kế hoạch là 20,2), đạt 8,5 bác sỹ/vạn dân (Kế hoạch là 8,5), tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,75% (Kế hoạch là 92,76%), đạt kế hoạch.

(8) Giáo dục: Có 14 trường đạt chuẩn quốc gia (Kế hoạch là 11 trường), đạt 127,3%, vượt kế hoạch.

(9) Văn hóa: Tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị 63,38% (kế hoạch là 61%), vượt kế hoạch.

(10) Môi trường: Trồng mới rừng tập trung đạt 2.282,7ha (Kế hoạch là 2.000ha), vượt kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,01% (Kế hoạch là 39%), vượt kế hoạch.

(11) Nông thôn mới: Tăng thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 40 xã); số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí; thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế 5 xã), vượt kế hoạch.

2. Một số kết quả phát triển kinh tế - hạ tầng:

2.1. Tăng trưởng kinh tế: Từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, ước cả năm đạt 5,74%[1]. Mặc dù thấp hơn Kế hoạch đề ra (khoảng 1,76 điểm phần trăm) nhưng vẫn là mức khá trong khu vực Tây Nguyên.

Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 46.388,67 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu ng­ườiước đạt 68,02 triệu đồng (vượt kế hoạch). Cơ cấu nền kinh tế đã có sự chuyển dịch:Tỷ trọng khu vực nông, lâmnghiệp, thủy sảnchiếm 39,96%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,60%;khu vực dịch vụ chiếm 36,49%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,95%.

2.2. Phát triển công nghiệp: Sản xuất công nghiệp duy trì ổn định, bước đầu khai thác và phát huy tốt các tiềm năng về công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp nhẹ và năng lượng; công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu bị giảm do thị trường tiêu thụ giảm, nguồn nguyên liệu thiếu hụt[2]. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước cả năm 2023 tăng khoảng 5%, đạt 56% kế hoạch (kế hoạch 9%).

2.3. Nông nghiệp và phát triển nông thôn: giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực có chiều hướng tăng cao, như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng; một số nông sản giảm năng suất cục bộ tại một số địa phương như tiêu, điều, bơ; giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh như điều, chanh leo, giá thịt hơi;hiệu quả chăn nuôi đạt thấp. Trên địa bàn tỉnh, xảy ra các đợt mưa lớn liên tiếp kèm gió lốc gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi và các công trình hạ tầng, thủy lợi, giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

- Trồng trọt: tiến độ gieo trồng và thu hoạch cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra[3]. Tình hình dịch bệnh gây hại trên cây trồng cơ bản được kiểm soát tốt.

- Chăn nuôi: tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, tổng đàn lợn, gia cầm, trâu ước thực hiện cuối năm đạt kế hoạch năm[4].Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt.

- Thuỷ sản: tổng diện tích nuôi trồng đạt 1.750ha, đạt 91,53%kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7.500, đạt 89,5%kế.

- Lâm nghiệp:hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2023 đạt 2267,16ha[5],vượt kế hoạch(kế hoạch 2.000 ha).Công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường. Từ đầu năm đến nay xảy ra 264 vụ[6] phá rừng, giảm 176 vụ, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.

- Nông thôn mới:Tăng thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 40 xã); số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí; thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế 5 xã), vượt Kế hoạch. Toàn tỉnh được chứng nhận 62 sản phẩm của 55 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP [7].

2.4. Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch: Tình hình thị trường hàng hóa tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm người dân; lượng hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và bảo đảm chất lượng. Tổ chức thành công Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XIII năm 2023 tại tỉnh Đắk Nôngvà Hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 tại Đắk Nông.  

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ:ước thực hiện đến hết năm 2023 đạt 22.415tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra và tăng 20% so với cùng kỳ.Kim ngạch xuất khẩu trong năm dự kiến đạt 880 triệu USD, đạt 69% kế hoạch đề ra (tăng 87% so với cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu trong năm dự kiến đạt 295 triệu USD, tăng 18% kế hoạch đề ra (tăng 11% so với cùng kỳ).

- Vận tải hành khách và hàng hóa:khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 3.407.000 hành khách, tăng 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách luân chuyểntăng 3,02% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 9,34%, sản lượng hàng hóa luân chuyển tăng 9,55% so với cùng kỳ. 

- Du lịch:hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Ước thực hiện năm 2023tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 679 ngàn lượt, tăng 32,5% so với năm 2022. Trong đó khách quốc tế ước đạt 5.400 lượt, tăng 170% so với năm 2022.

2.5. Vềđầu tư phát triển

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 ước đạt 18.668,05 tỷ đồng, đạt 88,06% kế hoạch. Trong những tháng cuối năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân được ban hành kịp thời, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập cần phải sửa đổi để áp dụng linh hoạt hơn, phù hợp hơn với điều kiện của từng địa phương. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các doanh nghiệp còn chậm liên quan đến đất đai, thủ tục hành chính, thị trường, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh vì vậy nguồn vốn đầu tư trong dân, doanh nghiệp dự kiến đạt thấp hơn kế hoạch đã đề ra.

- Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là:3.705,4 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn được giao năm 2023 là 3.314,7 tỷ đồng; kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 390,7 tỷ đồng). Số vốn đã giao chi tiết đến thời điểm báo cáo là 3.212,1 tỷ đồng, đạt 96,9% kế hoạch vốn.

 Đến ngày 27/12/2023, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giải ngân được 2.040,5 tỷ đồng/3.705,4 tỷ đồng, đạt 56% vốn tỉnh giao và đạt 65% vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó: Ngân sách địa phương đã giải ngân được 692,7 tỷ đồng, đạt 57,7% vốn giao và đạt 59,5% vốn đã phân bổ; Ngân sách Trung ương hỗ trợ đã giải ngân 757,9 tỷ đồng, đạt 66,9% vốn giao; Vốn nước ngoài (ODA) đã giải ngân 14,9 tỷ đồng, đạt 11,8% vốn giao và đạt 25% vốn đã phân bổ.

Ngoài ra, trong năm 2023, tỉnh được giao bổ sung 65 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện 03 dự án bố trí dân di cư tự do và di dân vùng thiên tai cấp bách (tại Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Đến ngày 27/12/2023 đã giải ngân được 21,9 tỷ đồng/65 tỷ đồng, đạt 33,7%.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Các dự án gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã được các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ, xem xét giải quyết nhưng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tổng số dự án FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 13 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 17.564 tỷ đồng.

- Thu hút và xúc tiến đầu tư: có 04 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư đăng ký là 457 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 10 dự án và giảm 656 tỷ đồng tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022.

2.6. Hoạt động tín dụng, thu chi ngân sách

- Hoạt động tín dụng: Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt công tác huy động vốn, công tác cho vay và xử lý nợ xấu; tổ chức,thực hiện các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình, sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến ước đạt 16.858 tỷ đồng, tăng 318 tỷ đồng (1,92%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 43.603 tỷ đồng, tăng 4.096 tỷ đồng (10,37%) so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng năm nay tăng thấp hơn so với năm trước[8]. Tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng còn khoảng 211 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ chiếm 0,48%).

- Thu, chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện là 3.150 tỷ đồng,đạt 100,4% dự toán Trung ương, đạt 86% kế hoạch, đạt 90,2% so với cùng kỳ năm trước[9].

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện đến hết năm đạt 8.745 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch.

2.7. Doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

-Phát triển doanh nghiệp: có 309 doanh nghiệp và 208 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới (giảm 110 doanh nghiệp so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký là 2.121 tỷ đồng; số lao động đăng ký là 1.778 người. Có 89 doanh nghiệp giải thể (giảm 10 doanh nghiệp so với cùng kỳ), 188 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (giảm 9 doanh nghiệp so với cùng kỳ).

-Cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI):Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và kiến tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu chỉ số PCI tỉnh Đắk Nông năm 2023  tăng 2 đến 3 bậc so với năm 2022[10].

2.8. Đô thị, xây dựng và kết cấu hạ tầng

-Đô thị, xây dựng:công tác quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình…; tỷ lệ đô thị hóa đạt 28%, đạt kế hoạch.

-Kết cấu hạ tầng:toàn tỉnh đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp được khoảng 282km đường, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh từ 68% lên 69,8%, dự kiến thực hiện năm 2023, tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh đạt 70% đạt kế hoạch đề ra.

-Hạ tầng cấp điện:hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư, cải tạo nâng cấp, mở rộng nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho nhu cầu hoạt động sản xuất và sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng ‑ an ninh tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 dự án thủy điện đang thi công;01 nhà máy điện gió Nam Bình 1 đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa vận hành; 03 dự án điện gió đang triển khai xây dựng; dự án điện gió Asia Đắk Song 1 đang triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao hiện nay.Tỷ lệ hộ được sử dụng điện của tỉnh ước đạt 99,2%, tỷ lệ thôn, buôn có lưới điện quốc gia đạt 100%.

2.9. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất, công tác lập, triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 08/08 huyện, thành phố. Triển khai nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường.

2.10. Quy hoạch tỉnh:Ngày 31/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1757/QĐ-TTg. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng mở ra nhiều thuận lợi, cũng như tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội mà Đắk Nông gặp phải trong những năm trước.   

3. Về phát triển văn hóa - xã hội

3.1. Phát triển văn hóa, thể dục và thể thao: Hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú, tạo không khí sôi nổi rộng khắp, kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc tiếp tục được chú trọng [11].

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai. Toàn tỉnh đạt 63,38% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị; đạt 94,38% thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; đạt 96,06% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa[12].

Phong trào thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh đến cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng tham gia[13]. Đăng cai tổ chức thành công Vòng II (Bảng C nam, Bảng D nữ) Giải vô địch bóng chuyền quốc gia Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2023, giải Vô địch Dù lượn quốc gia lần thứ III năm 2023.

3.2. Giáo dục và Đào tạo:Tập trung triển khai thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2022-2023 bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra. Triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 bảo đảm đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đẩy mạnh công tác kiểm định giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia; công nhận 14 trường đạt chuẩn quốc gia.Toàn tỉnh có 371 trường học từ mầm non đến giáo dục thường xuyên, trong đó có 326 trường công lập và 45 trường ngoài công lập, tăng 04 trường mầm non ngoài công lập so với cùng kỳ. Tổng số học sinh là 185.581 học sinh, trong đó có 175.908 học sinh công lập và 9.673 học sinh ngoài công lập, tăng 2.906 học sinh so với cùng kỳ. Tổng số học sinh dân tộc thiểu số là 60.723, chiếm 32,7%.

3.3.Y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân:Công tác chăm lo sức khỏe cho người dân luôn được quan tâm, chú trọng[14]; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về các dịch bệnh truyền nhiễm ở người. Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm tốt việc trực và điều trị bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh hiệu quả. Chỉ đạo Ngành Y tế tiếp tục rà soát, xử lý mua sắm các gói thầu vật tư y tế theo phân cấp nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

3.4.Giảm nghèo và an sinh xã hội, lao động và giải quyết việc làm:Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021-2025: Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 8.838 hộ, 43.417 khẩu, chiếm tỷ lệ 5,18% (so với cuối năm 2022 giảm 4.504 hộ, tỷ lệ giảm 2,79%); trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 2.678 hộ, chiếm tỷ lệ 16,42% (so với cuối năm 2022 giảm 1.214 hộ, tỷ lệ giảm 8,14%).

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện, trong đó công tác hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, công tác trợ giúp cộng đồngtrên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thờinhân dịp Lễ, Tết[15]; phát gạo cứu đói cho nhân dân[16]; tập trung chăm lo đời sống cho người có công,triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Số lao động được tạo việc làm là 18.498 người, đạt 101,64%; đào tạo nghề cho 8.491 người, đạt 212,27%, vượt kế hoạch; tỷ lệ có việc làm, tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập sau đào tạo đạt 80-85%.

3.5.Thông tin và truyền thông:Các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình luôn chủ động bám sát các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạocủa UBND tỉnhvà định hướng nội dung tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổ chức tuyên truyền có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phản ánh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông và quảng bá tiềm năng kinh tế, giới thiệu về mảnh đất, con người tỉnh Đắk Nông đến khắp các tỉnh, thành trên cả nước và các nước trên thế giới.

4. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

Các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, khó khăn trong công tác bồi dưỡng, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất, công tác lập, triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập các phương án bảo vệ khoáng sản và tài nguyên nước; công tác bảo vệ môi trường và một số vấn đề vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

 Trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 12 đợt mưa lớn kèm theo gió lốc, ngập lụt và sạt lở đất, đã làm thiệt hại về người, nhà ở, tài sản và cây trồng của người dân trên địa bàn tỉnh, ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.049,8 tỷ đồng.UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

5. Về cải cách hành chính, tư pháp và nội chính

5.1.Công tác cải cách hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước được chú trọng. Cơ cấu tổ chức, bộ máy tại các Sở, ngành được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5.2. Công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng; tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo: Các tổ chức thanh tra trên địa bàn tỉnh đã bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; nỗ lực, triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chấn chỉnh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh,chú trọng phối hợp tốt để xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm, kéo dài và có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức.

5.3. Công tác tư pháp:Công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn. Công tác hành chính tư pháp phục vụ hiệu quả cho nhu cầu của người dân; quản lý Nhà nước đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp được thực hiện chặt chẽ thông qua việc thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ.

5.4. Công tác dân tộc và tôn giáo: Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện.

Tình hình hoạt động của tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Đóng góp tích cực vào sự ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

6. Về đảm bảo an ninh, quốc phòng và công tác đối ngoại

Quốc phòng - an ninh được bảo đảm; hoàn thành các chỉ tiêu về diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch; đạt 100% chỉ tiêu tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ; hoàn thành chỉ tiêu về giáo dục quốc phòng, an ninh theo kế hoạch; duy trì và thực hiện nghiêm công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo quy định.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Trên tuyến biên giới, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phi pháp, vượt biên, xâm nhập và công tác phòng, chống dịch bệnh khu vực biên giới. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để hình thành “điểm nóng”, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ[17]; đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm liên quan đến tín dụng đen.

Triển khai thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí[18]. Triển khai thực hiện quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ và đạt kết quả tốt.

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành việc giao nhận quân năm 2023; diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự cho 03 huyện Đắk Song, Đắk R’Lấp, Đắk Glong; diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho huyện Tuy Đức và diễn tập cấp xã trong khu vực phòng thủ 27 cuộc; tổng kết nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ các cấp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các hoạt động đối ngoại, ngoại giao nhân dân tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh; thiết lập mối quan hệ giao lưu hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông với các địa phương và quốc gia. Tham gia thành viên Đoàn công tác của Trung ương đi thăm, làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào. Tiếp đón, làm việc với các đoàn công tác nước ngoài, tổ chức quốc tế đến thăm và làm tại tỉnh. Tổ chức Đoàn công tác của tỉnh đi thăm, làm việc với Ấn Độ nhằm thiết lập mối quan hệ, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.

Đồng thời, tiếp tục củng cố, tăng cường công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.tổ chức các đoàn công tác của tỉnh thăm, làm việc nhân dịp Lễ, Tết cổ truyền, thành công cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII và tổ chức hội nghị đánh giá, ký kết thỏa thuận giữa các cơ quan, đơn vị của tỉnh Đắk Nông, Việt Nam - tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.

II- ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những kết quả đạt được

Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã nhận định tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới, khu vực cũng như trong nướcsẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và đến nay, chúng ta càng khẳng định nhận định này là đúng.Trong tỉnh, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh tuy có chuyển biến tích cực nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định; một số dự án đầu tư trọng điểm dự kiến có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm; biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn…tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống Nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì và ổn định. Công tác an sinh xã hội và đời sống Nhân dân được đảm bảo, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kết quả một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng so với cùng kỳ.Để đạt được những kết quả khả quan trên nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, sâu sát, kịp thời, khoa học của các cấp, các ngành; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã quyết nghị nhiều chủ trương, chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - hội, các ngành, lĩnh vực của cả tỉnh và các huyện, thành phố trong tỉnh; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Thực hiện quyết liệt, kịp thời chương trình, kế hoạch, nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, của Tỉnh ủy về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội; nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn, có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; tập trung tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

2. Tồn tại, hạn chế

Một là,có 04/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt, gồm các chỉ tiêu: (1) Tăng trưởng GRDP, (2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, (3) Thu ngân sách nhà nước, (4) Giảm nghèo.Một số khoản thu ngân sách nhà nước chưa được khai thác tốt như khoản thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản. Các dự án lớn, quan trọng chưa đi vào hoạt động do vướng mắc về quy hoạch khoáng sản, chính sách, cơ chế… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng GRDP của năm 2023.

Hai là,tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tại một số dự án vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách chưa đạt kỳ vọng.

Ba là,tình trạng mưa lũ kéo dài làm nhiều công trình thủy lợi, đường, nhà cửa sụt lún, hư hại ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bốn là,giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đang ở mức cao. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến nhưng còn chậm, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

3. Nguyên nhân của hạn chế, khó khăn

3.1. Về nguyên nhân khách quan: Tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo; xung đột Nga - Ucraina kéo dài làm thế giới đối mặt với nhiều hệ lụy; biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán diễn biến bất thường, cực đoan; trong khi tỉnh ta vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

3.2. Về nguyên nhân chủ quan chủ yếu là: Công tác nắm, dự báo tình hình có lúc còn chưa sát; phản ứng chính sách của một số cơ quan, địa phương còn chậm, chưa kịp thời, chưa tận dụng hết các cơ hội phục hồi và phát triển từ bên trong và bên ngoài. Công tác tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách có nơi còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý chưa kịp thời, nhất là những vấn đề phát sinh mới; thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới; trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong một số trường hợp chưa được phát huy đầy đủ; một bộ phận cán bộ thực thi còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụthuộc thẩm quyền.

III. KẾHOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Dự báo thực hiện kế hoạch năm 2024 trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể có những chuyển biến tích cực hơn song còn đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi.

Trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, năm 2024 cũng là năm cần tăng tốc bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 đặt ra cho các cấp, các ngành nhiều nhiệm vụ nặng nề và thách thức to lớn, đòi hỏi phải tập trung cao độ, quyết tâm phấn đấu để đạt được cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.

1. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024

1.1. Mục tiêu tổng quát:Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, làm nền tảng hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả hơn nữa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản cho người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025,hoàn thiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trịvàtrật tự, an toàn xã hội.

1.2. Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024:

(1) Tăng trưởng GRDP đạt 6,55%. GRDP bình quân đầu người đạt 68,85 triệu đồng.

(2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 20.000 tỷ đồng.

(3) Thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.300 tỷ đồng.

(4) Kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ nhựa hóa chung đạt 72%, tỷ lệ đô thị hóa đạt 29%, tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,2%, tỷ lệ đảm bảo nước tưới cho diện tích cần tưới đạt 84%.

(5) Lao động và việc làm: Số lao động được tạo việc làm 18.300 lượt người, đào tạo nghề cho 4.000 người, 15,5% người lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

(6) Giảm nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021-2025): Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên.

(7) Y tế: Đạt 20,6 giường bệnh/vạn dân, đạt trên 8,7 bác sỹ/vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,75%.

(8) Giáo dục: Tăng thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia.

(9) Văn hóa: Tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn văn minh đô thị đạt 63,5%.

(10) Môi trường: Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trồng mới rừng 2.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,5%.

(11) Nông thôn mới: Tăng thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí trở lên, tăng thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

2. Định hướng, nhiệm vụ, giải pháp các ngành, lĩnh vực chủ yếu: UBND tỉnh tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là:

2.1. Triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2023, đặc biệt là quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra là Tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

2.2. Tập trung thực hiện 3 trụ cột phát triển kinh tế đã được Tỉnh ủy đề ra, gồm: (1) Phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo; (2) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị…; (3) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên về cảnh quan, thời tiết, khí hậu, các giá trị văn hóa bản địa.

Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện 3 đột phá về: (1) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư; (2) Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông…; (3) Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

2.3. Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2.4. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Tập trung thực hiện đẩy mạnh thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2024.

2.5. Tập trung tổ chức các hoạt động chào mừng 20 năm Ngày tái lập tỉnh, bảo đảm trang trọng, sâu sắc, có ý nghĩa.

2.6. Quan tâm, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội:

- Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; phối hợp đầu tư theo hình thức đối tác công -tư.

- Tập trung xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

- Chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

- Tập trung thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

 - Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2.7.Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước:Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ.

2.8. Tăng cườngcông tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh

Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và các tỉnh trong khu vực,các tổng công ty lớn của Trung ương. Mở rộng quan hệ với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia./.

Trương Mạnh



[1]Theo Công văn số 2145/TCTK-TKQG, ngày 25/11/2023 của Tổng cục Thống kê.

[2]Sản phẩm Khí CO2, cồn công nghiệp, tinh bột sắn, đậu phộng, đậu nành sấy, ván MDF, mủ cao su.

[3]Thu hoạch vụ Hè Thu đạt 40.246 ha (đạt 79,13% kế hoạch), chậm hơn 1.615 ha so với cùng kỳ năm trước; gieo trồng vụ Thu Đông đạt 10.176,8 ha (đạt 51,1% kế hoạch), chậm hơn cùng kỳ năm trước 464,2 ha.Vụ Đông Xuân 2022-2023 gieo trồng đạt 10.232,4 ha, ít hơn vụ Đông Xuân năm trước 31,4 ha (đạt 99,03 % kế hoạch), thu hoạch đạt 10.232,4 ha (đạt 100% kế hoạch). Vụ Hè Thu gieo trồng đạt 50.860 ha, ít hơn so với năm 2022 là 2.288 ha (đạt101,33%kế hoạch), thuhoạch ướcđạt 50.860ha, ít hơn 2.288 ha so với vụHè thu 2022.Gieo trồng vụ Thu Đông 2023 ướcđạt 19.912 ha/19.912,2 ha KH (đạt kế hoạch), ít hơn vụThu Đông 2022 1.281ha, thu hoạch ước đạt 19.912,2 ha.

Diện tích và sản lượng cây lâu năm cơ bản ổn định, trồng mới 3.838,3 ha; sản lượng thu hoạch bảo đảm kế hoạch đề ra([3]), riêng sản lượng cây điều giảm mạnh.   

[4]Tổng đàn lợn 530.000 con (tăng 79.200 con so với năm 2022; đạt 106 % so vớikế hoạchnăm); tổng đàn bò 27.500 con (giảm 100 con so với năm 2022; đạt 95 % so với kế hoạchnăm); tổng đàn trâu 3.100 con (tổng đàn không tăng, không giảm so với năm 2022; đạt 103 % so với kế hoạchnăm); tổng đàn gia cầm 2,8 triệu con (tăng 400.000 con so với năm 2022; đạt 100 % so với kế hoạchnăm), tổng đàn dê 47.000 con (tổng đàn không tăng, không giảm so với năm 2022; đạt 94 % so với kế hoạchnăm).

[5]Trong đó: trồng rừng trong tháng đạt 487,91 ha, luỹ kế 2.267,16 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trong tháng đạt 319,67 ha, luỹ kế đạt 1.009,67 ha);

[6]Trong đó hành vi phá rừng trái pháp luật phát hiện và lập hồ sơ xử lý có 136 vụ/26,9341 ha và 319 cây Thông, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 55,8% (giảm 172 vụ), diện tích rừng bị phá giảm 57,6% (giảm 36,56 ha).

[7]Có 07 sản phẩm đạt 4 sao, 55 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia.

[8]Nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp phải dẫn đến nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp suy giảm. Công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn, một số nguyên nhân như doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp; thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản.

[9]Năm 2022: Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.469 tỷ đồng.

[10]Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2022 đánh dấu sự thăng hạng vượt bậc của tỉnh trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc với 64,87điểm,đứng thứ 38/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 2,95 điểm và 14 bậc.

[11]Hướng dẫn, thuyết minh phục vụ 271 đoàn với 3.672 lượt khách tham quan tại Nhà Triển lãm Âm thanh.

[12]45/71 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị; 133.452/151.479 gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 673/713 thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 829/863 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.

[13]Qua đó, đã tổ chức thành công Giải Việt dã tỉnh Đắk Nông lần thứ XVII năm 2023 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023; Phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9 năm 2023 tại tỉnh Đắk Nông, với chủ đề “Yoga vì một thế giới, một sức khỏe chung”. Thành lập các đoàn vận động viên tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực II năm 2023, tại tỉnh Gia Lai…

[14]Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện là 599.751 lượt, tăng 82.761 lượt so với cùng kỳ; đến khám, chữa bệnh tại tuyến xã là 186.985 lượt; khám bảo hiểm y tế là 543.810 lượt, tăng 89.002 lượt so với cùng kỳ.

[15]Hỗ trợ quà Tết cho hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh: Tổng số 13.987 suất quà, với tổng kinh phí là 6,9 tỷ đồng.

[16]Hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hỗ trợ cho 5.350 hộ với 22.169 khẩu, số gạo hỗ trợ là: 332.535 kg;  Hỗ trợ cứu đói giáp hạt năm 2023 cho 5.977 hộ với 26.704 khẩu, số gạo hỗ trợ là: 400.560 kg.

[17]Giải quyết các vụ tranh chấp khiếu kiện tại huyện: Krông Nô, Tuy Đức, Đắk R’Lấp. Đắk Song, Đắk Glong.

[18]Xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm chết 22 người, bị thương 21 người (giảm 02 vụ - 5,1%; 02 người chết - 8,3% và 02 người bị thương - 8,6% so với cùng kỳ năm 2022).

Video

http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la

Liên kết website

Thống kê

Đang có 129 khách và không thành viên đang online

porno peliculasXXX porno phim-sex