Những giá trị lý luận và thực tiễn Di chúc Chủ tịch Hồ chí Minh
Những giá trị lý luận và thực tiễn Di chúc Chủ tịch Hồ chí Minh

Ngày Đăng: 22/05/2019, Lượt Xem: 1139

Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng Người “để lại mấy lời” và “chỉ nói tóm tắt vài việc thôi” nhưng Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

 

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Điều Hồ Chí Minh quan tâm đầu tiên là về Đảng. Nói về Đảng, Bác nhấn mạnh đến lý tưởng cách mạng “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” của Đảng, về truyền thống cực kỳ quý báu và cũng là quy luật trưởng thành của Đảng là sự đoàn kết, nhất trí cần phải được giữ gìn như đối với “con ngươi của mắt mình”, về nguyên tắc “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, về “tình đồng chí yêu thương lẫn nhau” trong Đảng và sự trau dồi phẩm chất đạo đức “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của mỗi đảng viên, cán bộ. Trong bản viết bổ sung tháng 5-1968 Người còn nói thêm, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi thì việc “cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Di chúc Hồ Chí Minh thấm đẫm tính nhân văn. Đọc Di chúc chúng ta thấy Bác dành tình cảm yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội, từ những người có công trong kháng chiến như liệt sĩ, thương binh, thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, phụ nữ, nhân dân lao động, đến những người vốn là nạn nhân của xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,... Bác yêu cầu Đảng và Chính phủ vừa “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” nói chung, vừa có sự quan tâm cụ thể, thiết thực với từng đối tượng. Nhưng không chỉ quan tâm một chiều mà điều cần thiết nhất là phải làm sao giáo dục bồi dưỡng, nâng con người lên, khuyến khích mỗi người “tự lực cánh sinh” cùng chung tay vào sự nghiệp xây dựng một xã hội mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nhiều vấn đề then chốt thuộc về phương hướng xây dựng đất nước sau khi đã hòa bình độc lập. Đó là hàn gắn vết thương chiến tranh; xây dựng lại thành phố và làng mạc; khôi phục và mở rộng các ngành nghề kinh tế; phát triển công tác vệ sinh y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới... đó là những công việc to lớn, nặng nề, phức tạp, nhưng Người tin rằng, nếu Đảng và Chính phủ biết động viên, tổ chức và giáo dục được toàn dân, biết dựa vào sức mạnh vĩ đại của toàn dân thì sẽ giành được thắng lợi.

Là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, Người không quên để lại những dòng tự hào và trăn trở của mình đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bởi từ những năm 1960 trong nội bộ phong trào này đã có sự rạn nứt. Hồ Chí Minh không khỏi “đau lòng” về sự bất hòa giữa các đảng anh em, nhất là giữa hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc. Trong Di chúc, Người nói rõ mong muốn của mình là “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em”. Và theo Người, chỉ có “trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình” mới có thể khôi phục được tình đoàn kết vô sản đó.

Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta và nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang: đánh cho Mỹ cút (1973), đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1975). Tuy nhiên, vẫn có những lúc do chưa quán triệt đầy đủ những lời căn dặn của Bác nên công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta sau năm 1975 đã trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy công cuộc Đổi mới toàn diện, đồng bộ, triệt để, có bước đi và cách làm thích hợp của Đảng mở ra từ Đại hội VI đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao, nhưng cho đến nay vẫn còn những vấn đề cần phải được giải quyết.

Như Đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra, đó là: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước; các lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt hạn chế; quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước; công tác xây dựng Đảng vẫn còn những yếu kém, chậm được khắc phục.

Đứng trước những vấn đề như vậy, đọc Di chúc chúng ta tiếp tục rút ra được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn từ những lời dạy thiết thực của Bác. Theo chúng tôi, cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:

- Một là, phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngang tầm nhiệm vụ, thực sự xem đây là nhiệm vụ then chốt. Cần tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong 3 vấn đề đó, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

- Hai là, phải có những định hướng quan trọng đưa đất nước bứt phá đi lên để Việt Nam nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, nhân văn. Kinh tế tăng trưởng phải luôn gắn liền với việc thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm cho mọi thành phần trong xã hội đều được phát huy khả năng, được hưởng thụ các thành quả lao động của mình, cũng như sự quan tâm của cả xã hội đối với những đối tượng chính sách. Bảo đảm cung ứng dịch vụ công thiết yếu, bình đẳng cho mọi người dân và chú trọng các chính sách ưu đãi xã hội. Trên cơ sở không ngừng nâng cao dân trí, chăm lo dân sinh, phát huy dân chủ để kết nối quyền và năng lực làm chủ của nhân dân ngày một tốt hơn.

- Ba là, không ngừng chăm lo củng cố và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, thực sự xem đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để cố kết toàn dân tộc. Mọi đường lối, chính sách của Đảng phải thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân, được đông đảo nhân dân tham gia bàn bạc và thực hiện. Có như thế mới huy động được sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp cách mạng.

- Bốn là, ngày nay bối cảnh quốc tế đã khác trước rất nhiều, quan hệ giữa các quốc gia đang diễn ra trong quá trình liên kết vừa hợp tác vừa đấu tranh, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải quyết mọi vấn đề một cách “có lý, có tình”: Giữ vững nguyên tắc đồng thời phải linh hoạt, năng động, sáng tạo phù hợp với vị trí, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta và tình hình khu vực, thế giới phù hợp với từng đối tác mà ta có quan hệ. Giữ gìn và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, với nhân dân các nước đã ủng hộ chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để thể hiện sự ứng xử tình nghĩa thủy chung với bạn bè quốc tế trong giai đoạn lịch sử mới. Đồng thời đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển./.

Bài, ảnh: BBT (st)