Vào Tết Trung thu năm 1952, Bác Hồ viết:
“Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình
Đi tham gia kháng chiến để gìn giữ hòa bình
Các cháu hãy xứng đáng cháu Bác Hồ Chí Minh”.
Cả một đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình yêu thương cho đồng bào, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược. Trước lúc đi xa, Người dặn dò: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Những tình cảm ấy của Bác đối với dân tộc đã khiến nhà thơ Tố Hữu phải thốt lên: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm trọn non sông mọi kiếp người”. Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người” có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng. Bác coi: “Trẻ em như búp trên cành, Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Những lời dạy và bài viết của Người dành cho thanh thiếu nhi được xem như một trong những di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ nước ta.
Đối với thiếu nhi, nhi đồng, Bác chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ, dặn dò các cháu phải phấn đấu học hành, góp sức xây dựng Tổ Quốc: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau..”. Trong Thư gửi các cháu thiếu nhi, trên Báo Cứu quốc, số 385, ngày 24/10/1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp, Người viết:
“Bác viết mấy chữ, để cảm ơn các cháu và khuyên các cháu:
1. Phải siêng học,
2. Phải giữ sạch sẽ,
3. Phải giữ kỷ luật,
4. Phải làm theo đời sống mới,
5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em” [1]
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Bác viết thư thăm hỏi các cháu và dành một tình cảm đặc biệt, thực sự trìu mến đối với thế hệ măng non: “Các cháu yêu quý! Ngày 1 - 6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô...”.
Trong dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước, Bác vui mừng, bày tỏ tình cảm chân tình, với những lời lẽ hết sức giản dị, gần gũi: “Các em vui cười hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Vậy đố các em biết vì sao? Bởi vì Già Hồ rất yêu mến các em”. Hay đối với mỗi thiếu niên, nhi đồng cũng không thể quên được câu thơ: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.
Đến bây giờ, kể cả các nguyên thủ quốc gia hay những người dân bình thường, những người có học vị hay những công nhân lầm than, những người già, người trẻ, người ở Bắc hay Nam… đều khắc ghi năm điều Bác Hồ dạy: 1- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. 2- Học tập tốt, lao động tốt. 3- Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt. 4- Giữ gìn vệ sinh thật tốt. 5- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Vâng lời Bác, hàng triệu trẻ em Việt Nam phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, hăng hái thi đua để xứng đáng danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiếu nhi, nhi đồng có một vai trò nhất định đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà. Bác là người đầu tiên coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Là người nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu trong lòng lo cho tương lai của cả một thế hệ, vận mệnh của một dân tộc. Đất nước ta muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, đạt được mục tiêu, khát vọng của Đảng và Nhân dân thì phụ thuộc phần lớn công lao học tập của thế hệ trẻ.
Chính vì vậy, trong bài Nói chuyện tại hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc, Người căn dặn các cán bộ phụ trách thiếu nhi: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”. Trước hết, phải giáo dục đạo đức cho thiếu nhi, nhi đồng trở thành những công dân tốt, biết giữ gìn và làm sáng lạng đất nước. Thơ tặng các cháu nhi đồng, ngày 10 tháng 4 năm 1946, Người mong mỏi:
“Bác mong các cháu “cho ngoan”,
Mai sau gìn giữ giang san Lạc - Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên - Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”[2]
Người xác định, việc giáo dục gồm có:
“- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu)”[3]
Mặt khác, Người yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và tất cả mọi lực lượng quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng: “Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”[4]. Thấu hiểu những lời Bác dạy, thiếu nhi, nhi đồng luôn khắc ghi và nguyện học tập, tu dưỡng, rèn luyện để không phụ lòng mong mỏi của Bác.
Trần Thị Hoài
Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông