3:25 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024
Gửi cho bạn bè

15 CÁI TẾT CỦA BÁC HỒ TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1969
15 CÁI TẾT CỦA BÁC HỒ TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1969

Ngày Đăng: 18/02/2021, Lượt Xem: 1082

Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, Bác Hồ đã trải qua 9 mùa Xuân tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1955 là Tết Nguyên đán đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội sau chín năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi.

Bác Hồ về chúc Tết nhân dân, xã viên HTX Văn Phúc, Văn Khê, Hoài Đức, Hà Tây nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Ngọ 1966

Ngày 30 Tết, báo Nhân dân đăng bài Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Năm mới, với tinh thần và cố gắng mới, chúng ta quyết làm tròn nhiệm vụ để tranh lấy thắng lợi mới trong công cuộc hoà bình. Vậy có câu đối Tết nôm na:

Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ- Tam dương khai thái

Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm- Ngũ phúc lâm môn”

Ngày 1 Tết, Bác đi thăm công trường xây dựng đập nước Bắc Thái và công trường xây dựng tuyến đường sắt Mục Nam quan, một đơn vị quân đội và mấy gia đình nông dân ở xã. Người ở lại ăn Tết với anh em công nhân và tặng công trường một số Huy hiệu để làm giải thưởng thi đua.

Tết Nguyên đán Bính Thân 1956, báo Nhân dân đăng bài Mừng Xuân mới, nhớ Xuân cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Với những người cách mạng độ 30 xuân trở lên, nhớ Xuân cũ có nhiều màu, nhiều vẻ: có người mừng Xuân trong trại giam, nhà tù, có người mừng Xuân ở góc rừng, hang đá, còn những người hoạt động ở nước ngoài thì trông về cố quốc đón Xuân... Vì nghĩa cũ tình xưa, mừng Xuân trong hoà bình, nhiều cán bộ, chiến sỹ ta càng thấm thía nhớ đến đồng bào Việt Bắc". Đêm giao thừa, Bác đi thăm và chúc Tết, tặng quà anh em trường thương binh hỏng mắt Hà Nội. Sáng mùng 1 Tết, Bác đến chúc Tết đại biểu nhân dân Hà Nội, anh chị em miền Nam tập kết, học sinh trường cán bộ dân tộc thiểu số, bà con Hoa kiều đang họp mặt mừng năm mới tại Ủy ban hành chính thành phố. 13h, Bác đến chúc Tết công nhân Việt Nam, Trung Quốc, Âu Phi tại công trường xây dựng cầu Việt Trì. 15h, Bác thăm và chúc Tết bà con nông dân xóm Yên Định, xã Tiền Phong, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. 18h, Người đến thăm và chúc Tết cán bộ, học viên Trường bổ túc văn hoá cán bộ miền Nam.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 1957, buổi sáng 30 Tết, Bác tiếp Đoàn nghệ thuật kinh kịch Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc tại Phủ Chủ tịch. Buổi chiều Bác tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến chúc Tết Người. Buổi tối, Bác đi thăm 5 gia đình công nhân ở khu lao động nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy điện Bờ Hồ ở An Dương, sau đó Bác đến thăm và chúc Tết các gia đình: Cụ Nguyễn Thị Khánh, quê ở Thừa Thiên, có 6 con đi bộ đội trong đó có liệt sĩ Nguyễn Khắc Vĩ hy sinh ở Điện Biên Phủ; anh Phan Đăng Kỳ, cán bộ miền Nam tập kết; bà Thóc, một goá phụ nghèo một mình nuôi 4 con nhỏ ăn học. Sáng 1 Tết, Bác về thăm và chúc Tết một số gia đình cơ sở cách mạng cũ ở thôn Phú Gia, Phú Thượng, Từ Liêm, sau đó Người đi thăm và chúc Tết một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô. Sau đó Bác đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng ở Thanh Oai, Hà Tây; thăm công trường xây dựng số 4 và thăm cảnh nhân dân Thủ đô vui đón Tết

Tết Mậu Tuất 1958, cuối buổi chiều 30, Bác đi thăm Miến Điện về đến Hà Nội nên sáng 1, Bác mới đi chúc Tết một số cơ quan đơn vị trên địa bàn Thủ đô như: Nhà máy cơ khí Hà Nội, Khu Việt Nam học xá, nhân dân xã Việt Hưng huyện Gia Lâm, gặp gỡ với cán bộ miền Nam tập kết tại câu lạc bộ Thống Nhất, thăm Hội quán Hoa kiều ở phố Hàng Buồm. Người cũng đi thăm một đơn vị quân đội và gửi quà tới anh chị em Trường thương binh hỏng mắt.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 1959, Bác đang thăm Liên Xô nên Người đến dự bữa cơm tất niên 30 Tết do cán bộ Việt Nam đang công tác ở Liên Xô tổ chức và dự liên hoan đón giao thừa với các cháu lưu học sinh tại Matxcơva

Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, báo Nhân dân đăng bài Mừng Tết nguyên đán như thế nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu lên những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, bài báo kết luận:

" Trăm năm trong cõi người ta

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân"

Đêm Giao thừa, Bác đi thăm và chúc Tết 5 gia đình ở Hà Nội: Trần Công Tốt, công nhân nhà máy đèn; Trương Từ Thức, công an chữa cháy; Bùi Xuân Bồng, gia đình công giáo; bác sỹ Đinh Văn Thắng, giáo sư trường Đại học y dược; nhà công thương Bùi Hưng Gia. Sáng 1 Tết, Bác tiếp đoàn đại biểu Việt kiều ở Thái Lan mới về nước đến thăm và chúc Tết Người.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 1961, ngày 30 Tết, Bác dự cuộc gặp mặt của Hội đồng Chính phủ nhân dịp cuối năm. Người nói chuyện về tầm quan trọng của việc quản lý kinh tế, tài chính và sự cần thiết tổ chức kiểm tra ở các Bộ, về ý thức kỷ luật chấp hành nghiêm chỉnh mọi nghị quyết của Hội đồng Chính phủ. Buổi tối, Bác đi thăm và chúc Tết: Một công nhân nhà máy gỗ Cầu Đuống; một cán bộ công đoàn nhà máy cơ khí Hà Nội; một Việt kiều mới về nước; một xã viên HTX thủ công nghiệp người Hoa; gia đình bác sỹ Hồ Đắc Di và gia đình giáo sư Tôn Thất Tùng. Đúng giao thừa, qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời chúc Tết đồng bào cả nước: "Năm nay là năm Sửu, các cụ ta quen gọi là Tết con trâu. Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hăng. Toàn dân ta đoàn kết đấu tranh thì chúng ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Ngày mùng 1 Tết, Bác đi thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ một đơn vị công an nhân dân vũ trang, một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô; cán bộ , công nhân nhà máy dệt kim Đông Xuân, nhà máy rượu Hà Nội; nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo và nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà. Người còn đi thăm và chúc Tết nhân dân thôn Khuyến Lương (Thanh Trì).

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 1962, chiều 30 Tết, Bác dự liên hoan tất niên với con em cán bộ văn phòng Trung ương Đảng. Buổi tối, Bác cùng với ông Nguyễn Lam (Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội), Trần Duy Hưng (Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội), Nguyễn Khai (Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng) đến Câu lạc bộ thiếu nhi vui Tết với các cháu. Sau đó Người đi thăm và chúc Tết các gia đình: Công nhân Nguyễn Văn Mộc, chiến sỹ thi đua 5 năm liền của nhà máy cao su Sao Vàng; cụ Đỗ Văn Diệu, uỷ viên Ban đại diện phụ lão khu phố Hai Bà Trưng; giáo sư thạc sỹ Đặng Văn Chung, phó Giám đốc trường Đại học Y dược; ông Dương Kỳ Hiệp, cán bộ miền Nam tập kết; ông Vương Tước Cường, công nhân Hoa kiều; nhà tư sản Nguyễn Chương Hồng, Giám đốc xưởng cơ khí công ty hợp doanh Đồng Tháp và một số gia đình lao động nghèo ở phố Lý Thái Tổ. Tiếp đó, Người đến thăm cán bộ, công nhân Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình phát thanh đặc biệt đêm giao thừa. Ngày 1 Tết, Bác đến chúc Tết tại công trường nhà máy bê tông đúc sẵn Chèm, HTX nông nghiệp Đại Thắng, Từ Liêm và một số đơn vị bộ đội ở Hà Nội như Đại đoàn 109, Trung đoàn phòng không 220. Buổi chiều, Người đến thăm phòng trưng bày văn học và dự cuộc ngâm thơ mừng Xuân của các cụ phụ lão, Người mừng tuổi các cụ hai câu thơ: Tuổi già nhưng chí không già; Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh…. Sáng 2 Tết, Bác xuống Hải Phòng thăm và chúc Tết các cháu trường học sinh miền Nam.

Giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Tiệp Khắc sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm. Nhân ngày Tết cổ truyền của nhân dân ta, Người bày tỏ niềm vui mừng qua hai câu thơ:

" Xuân này, Xuân lại thêm Xuân

Nước non xa, anh em gần, vui thật là vui".

Sáng 30 Tết, Bác mặc bộ đồ gụ nâu, khoác áo mưa vải bạt, đeo kính trắng, cổ quàng khăn, chân đi dép cao su cùng hai cán bộ cảnh vệ thăm chợ Đồng Xuân và hỏi thăm giá các mặt hàng. Chiều, Bác hội đàm với đoàn đại biểu Tiệp Khắc. Tối, Bác mời cơm Chủ tịch BCH TƯ Đảng cộng sản Tiệp Khắc, phu nhân và đoàn đại biểu Tiệp Khắc đang ở thăm nước ta. Sau đó, Người đi thăm và chúc Tết một số gia đình ở Hà Nội: Anh hùng lao động công nghiệp Mai Đình Cường; cụ Võ Thị Xuân 72 tuổi; ông Phạm Công, Việt kiều mới về nước; nhà tư sản dân tộc Nguyễn Văn Thức; ông Hồ Đắc Điềm, nhân sỹ trí thức. Sáng 1 Tết, Bác cùng đoàn đại biểu Tiệp Khắc tiếp đại diện TƯ Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến Phủ Chủ tịch chúc Tết. Sau đó Bác đi chúc Tết cán bộ, công nhân nhà máy ô tô Hoà Bình, bà con HTX Huỳnh Cung (Thanh Trì), một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô, đơn vị cảnh sát nhân dân quận Hoàn Kiếm và một đơn vị cảnh vệ thuộc Bộ Công an.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 1964, ngày 30 Tết, Bác tiếp đoàn đại biểu thanh niên Đức và sau đó đi chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Sở Công an Hà Nội. Buổi tối, Người đến thăm toà soạn báo Tân Việt Hoa và chúc Tết các chuyên gia Trung Quốc đang họp mặt mừng Xuân. Sau đó, Người đến thăm và chúc Tết cán bộ công nhân tại khu tập thể Cao-Xà-Lá, khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình: Phan Huy Nhật, công nhân nhà máy nước; Nguyễn Văn Tá, trưởng ban bảo vệ khu phố; Nguyễn Xiển, tổng thư ký đảng Xã hội; giáo sư bác sỹ Trần Hữu Tước; Việt kiều Phan Văn Chúc. Sáng 1 Tết, Bác đến chúc Tết cơ quan huyện uỷ Đông Anh, cán bộ công nhân trạm biến thế điện Lỗ Khê và HTX Lỗ Khê có thành tích trong sản xuất và tiết kiệm. Sau đó, Người đến thăm cán bộ chiến sĩ trung đoàn phòng không 260 bảo vệ Thủ đô; cán bộ, chiến sĩ sở công an Hà Nội.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 1965, sáng ngày 29 Tết, Bác di thăm và tham gia trồng cây với đồng bào Cổ Loa (Đông Anh). Sau đó Người tham gia trồng cây với bà con nông dân Phú Diễn (Từ Liêm). Buổi tối, Người đọc thơ chúc Tết để Đài phát thanh ghi âm phát đêm giao thừa. Sớm mùng 1 Tết, Bác về thăm tỉnh Quảng Ninh. Sau khi nói chuyện với hơn hai vạn đại biểu các dân tộc trong tỉnh tại sân vận động Hòn Gai, Người đến thăm cán bộ công nhân Uông Bí và mỏ than Vàng Danh. Trên đường đi, Người ghé thăm, chúc Tết Đoàn địa chất số 3 và gia đình ông Trần Mộc Sinh, xã viên HTX Khe Cát (Yên Hưng).

Ngày 30 Tết Bính Ngọ 1966, Bác tới thăm và chúc Tết các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại Hà Nội. Báo Nhân dân đăng lời chúc đầu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Mỹ:" Nhân dân Việt Nam rất tha thiết với hoà bình, nhưng hoà bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thật sự. Vì đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, cho nên nhân dân Việt Nam phải chống lại để bảo vệ độc lập và gìn giữ hoà bình". Sáng sớm 1 Tết nguyên đán, Bác đi thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Đại đội 27, bộ đội quân khu III, sau đó Bác về thăm một đơn vị bộ đội phòng không bảo vệ đê Mai Lĩnh. Người cũng đến thăm trường Kim Đồng và HTX nông nghiệp Văn Phú, Hoài Đức, Hà Tây. Cùng ngày Người chụp ảnh kỷ niệm với các anh hùng, chiến sỹ thi đua quân giải phóng miền Nam đang thăm miền Bắc.

Tết Nguyên đán Đinh Mùi 1967, buổi chiều 30 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết cán bộ nhân viên trong phái đoàn thường trực Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội, Người chia quà Tết cho các cháu nhỏ và anh chị em trong phái đoàn. Sáng 1 Tết, Bác đi thăm và chúc Tết các đơn vị bộ đội phòng không và không quân bảo vệ Thủ đô. Cùng ngày Người đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân dân xã Tam Sơn, Tiên Sơn, Hà Bắc. Sáng 2 Tết, Bác về thăm HTX Tảo Dương, Thanh Oai, Hà Tây

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, Bác không ở trong nước vì từ ngày 31.12. 1967, Bác đã sang Trung Quốc để chữa bệnh ở một địa điểm gần Bắc Kinh nên Người đón Tết bên nước bạn. Đúng giao thừa, Người và đồng chí Thư ký mở Đài phát thanh nghe thơ chúc Tết và đợi tin của cuộc Tổng tấn công, nổi dậy của quân và dân miền Nam

Ngày 30 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969, Bác gửi tặng lẵng hoa cho một số cơ quan, khu phố ở Hà Nội và một số đơn vị vũ trang bảo vệ Thủ đô. 6h30 sáng 1 Tết, Bác đi thăm binh chủng PK-KQ ở Bạch Mai và sau đó trồng cây ở Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây). Buổi chiều, Người và Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Tạ Thị Kiều.

 

Bài, ảnh: BBT (st)

Video

http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la

Liên kết website

Thống kê

Đang có 12 khách và không thành viên đang online

porno peliculasXXX porno phim-sex