43. Đại đoàn kết, làm sao có lợi cho sự nghiệp chung
43. Đại đoàn kết, làm sao có lợi cho sự nghiệp chung

Ngày Đăng: 10/09/2020, Lượt Xem: 841

Cách mạng tháng Tám 1945 mới thành công, chính quyền nhân dân chưa vững chắc và còn gặp nhiều khó khăn. Sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời ít lâu, một lần Bác gọi tôi và hỏi:

 - Chú có quen cụ Trần Trọng Kim và biết cụ ở đâu không?

     Ai cũng biết Trần Trọng Kim là nhà học giả đứng đầu chính phủ do Nhật dựng nên sau cuộc đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, tôi ít gặp nhưng có quen, vì trước cùng là nhà giáo, mặc dù ông ta nhiều tuổi hơn tôi.

     Bác hỏi tiếp:

     - Nhà cụ ấy có ngõ để xe ô tô vào không?

     Tôi xin Bác để tôi trực tiếp đi xem xét lại, chưa thể trả lời chính xác chi tiết này. Tôi hiểu Bác muốn có một cuộc gặp khá kín đáo để tránh mọi sự hiểu lầm hoặc bọn phản động phá rối về sau.

     Tôi đến phố Nhà rượu quan sát, về báo cáo Bác: không có cổng cho xe vào! Tôi không chắc Bác Hồ có dịp gặp Trần Trọng Kim lần nào không, vì ít lâu sau có tin cụ biến mất khỏi Hà Nội không để lại dấu vết gì. Và rồi cụ mất âm thầm nơi xứ lạ quê người.

     Cùng thời gian đó, Bác Hồ đã chủ động gặp cả Ngô Đình Diệm ra ẩn náu ở Hà Nội, bàn chuyện hợp tác giành độc lập cho nước nhà. Nhưng họ Ngô vốn nuôi đầu óc chống cộng kịch liệt, đã từ chối.

     Hoặc lúc cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bùng nổ, Bác không quên cử đồng chí Phan Mỹ phụ trách văn phòng Phủ Chủ tịch về tận quê đón cụ Phan Kế Toại, khâm sai đại thần cũ, mời ra làm việc. Cụ Phan mừng lắm, đã đi theo kháng chiến.

    Tôi cũng còn nhớ buổi tiễn đưa Bác từ Paris đi Toulon để đáp tàu biển về nước, sau khi ký tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946, khi xe lửa chuyển bánh, Bác Hồ nhắc tôi lần cuối:

    - Chú nhớ tìm gặp các bạn quen, giữ quan hệ tốt với họ.

    Tôi hiểu lời nhắc của Bác, vì trước đó Bác đã dặn dò kỹ. Chính quyền Pháp bấy giờ thuộc về những người xã hội như Léon Blum, Moutet, thế lực không mạnh và còn dư dự không muốn tiến hành chiến tranh ở Đông Dương, phải tìm cách tranh thủ.

    Có thể nói Bác Hồ là một con người có lòng vì nước vì dân, mạnh dạn khai thác những khả năng nhỏ nhất để tháo gỡ tình hình phức tạp, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Bác khoan dung không hề định kiến quá khứ, tìm đến từng con người cụ thể, với ai cũng thử thuyết phục và dám dùng, kể cả lớp quan lại cũ, tất cả nhằm đạt mục đích cuối cùng là làm sao có lợi cho sự nghiệp chung.

BBT(st)