Như một người cha luôn quan tâm đến con cái, Bác Hồ hiểu rõ những ưu điểm cũng như nhược điểm của thanh niên nước ta.
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm thương yêu sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Trong “Thư gửi các bạn thanh niên” ngày 12.8.1947, Bác viết: “… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Trong “Di chúc”, Bác cũng dành những lời lẽ tâm huyết nói về thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc điều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Như một người cha luôn quan tâm đến con cái, Bác Hồ hiểu rõ những ưu điểm cũng như nhược điểm của thanh niên nước ta. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (24.3.1961), Bác dặn: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”. Bác nhắc lại một câu nói của Lênin: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản”. Ngoài ra, Bác nhắc nhở: “Một số khá đông thanh niên chưa hiểu thấu rằng tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang, vì vậy họ chưa thiết tha yêu nghề, thường “đứng núi này, trông núi nọ”… Thanh niên ta cần phải hiểu rằng: bất kỳ công việc gì mà ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng”.
Để trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, Bác dạy: “Mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau đây:
- Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước.
- Các việc đáng làm, thì khó mấy cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được.
- Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
- Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
- Quyết tâm làm gương về mọi mặt, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
- Chớ kiêu ngạo, tự cao, tự mãn, nên nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết. Như thế thì ai cũng sẽ yêu mến, kính phục thanh niên…”.
Về phong trào thanh niên, Bác lưu ý “cần phải liên tục và có nội dung thiết thực”, không nên hình thức, “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”, mà phải “nói được, làm được”. Bác quan niệm “một chương trình nhỏ mà thực hiện được còn hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Bác luôn động viên thanh niên: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng… Bác tin rằng thanh niên ta sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất vẻ vang của đạo quân xung phong tất thắng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
(Nguồn: Một số lời dạy và mẫu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007)
BBT (st)