Ngoài tầm cỡ một lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa, có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà báo tài ba, uyên bác. Bác Hổ sử dụng ngòi bút tinh luyện, xuất chúng của mình như một vũ khí sắc bén, thức tỉnh lòng người, khiến quân thù khiếp sợ, trở thành “đòn xoay chế độ”.
Với Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”. Bởi với Bác, ngoài phụng sự đất nước và Tổ quốc, thì làm báo chí không có mục đích nào đẹp hơn, tốt hơn, và ý nghĩa hơn.
Sinh thời, tờ báo đầu tiên Người sáng lập là “Tuần báo Thanh niên”- cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tờ báo đó ra đời ngày 21-6-1925 và trở thành hạt nhân tổ chức và huấn luyện đội ngũ những nhà hoạt động cách mạng, tồn tại đến tháng 4-1927 tổng cộng được 88 số.
Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5 tháng 2 năm 1985 lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21 tháng 6 năm 2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Báo Thanh Niên (21/6/1925) - Tờ Báo cách mạng Việt Nam đầu tiên
Người cho rằng, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng cho nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Vì vậy, dù viết đề tài nào, cũng bằng hình thức, thể loại nào, các bài báo của Người đều là vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, là phương tiện hữu hiệu để “thắp lửa” cho quần chúng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Những tư tưởng dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nền báo chí cách mạng nước nhà, với người làm báo chỉ ngắn gọn trong 5 câu: Viết cho ai? Viết để làm gì? Thế thì viết cái gì? Cách viết thế nào? Viết rồi phải thế nào? Nhưng không phải ai cũng làm được, tạo nên một phong cách báo chí riêng, độc đáo mang tên Hồ Chí Minh.
Viết về kẻ địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng lối châm biếm ý nhị nhưng ý tứ sâu xa, sắc sảo, thông minh đến kỳ lạ; văn phong vừa có tính chất báo chí, vừa có tính chất nghệ thuật. Viết cho quần chúng Nhân dân, Người dùng lời văn nôm na, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân tộc, diễn dạt theo cách nói, cách nghĩ, cách cảm của quần chúng. Người nêu rõ, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng. Người dạy phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Viết phải thiết thực, kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào, từ đó làm họ thay đổi nhận thức, ý nghĩa, tình cảm và hành vi, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây và chống luôn là hai mặt của một vấn đề, phải lấy xây để chống, chống để xây, trong đó xây dựng là cái cơ bản nhất... Do đó, viết báo là để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta, nhưng đồng thời, cũng để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, thật thà, chân thành, chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại.
Mỗi bài báo của Người đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng, đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc, mang cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Do đó, tư tưởng của Người, dù là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại đều được truyền đạt một cách thấm thía, sâu sắc, dễ hiểu, dễ hiếu, nhớ sức thuyết phục mạnh mẽ.
Trước bối cảnh khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, mỗi bài báo dù viết vấn đề đối nội hay đối ngoại, tiếp cận từ góc độ nào cũng đều có những tác động nhất định đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Do đó, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cả cách viết. Chỉ một sự thiếu cẩn trọng, cẩu thả khi viết có thể tác động xấu đến đời sống xã hội, phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trải qua 95 năm, quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị nhưng trong từng cơ quan báo chí, từng bài viết cần có sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và cạnh tranh với các tờ báo khác, báo chí cách mạng phải phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề thời sự của đất nước, những vấn đề dư luận đang quan tâm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, yếu tố quyết định để độc giả trung thành và tin tưởng với một ấn phẩm báo chí, cơ quan báo chí là chất lượng thông tin. Khi trình độ dân trí ngày càng cao, sự tác động đa chiều của hội nhập quốc tế, đòi hỏi báo chí phải thực sự giàu tri thức, mẫu mực về mọi mặt. Do đó, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết là bài học hàng đầu mà báo chí cần tuân thủ.
Trong thời đại ngày nay, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, hấp dẫn và sáng tạo nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thông tin thụ động, ngồi chờ hoặc đi sau hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin, làm chậm cơ hội chiếm lĩnh trận địa thông tin.
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, có thể thấy, những di sản báo chí của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.
“Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà”. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh” - như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Bài, ảnh: BBT (st)