25. Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nền giáo dục cách mạng Việt Nam
25. Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nền giáo dục cách mạng Việt Nam

Ngày Đăng: 21/05/2020, Lượt Xem: 1259

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng lý luận vô giá về các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Người không chỉ là nhà giáo, nhà văn hoá lớn của thế giới, đề ra những tư tưởng lớn về giáo dục, mà còn trực tiếp đặt nền móng khai sinh một nền giáo dục mới, cách mạng, toàn diện, với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước, trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước (năm 1911), thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho học trò Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Cũng chính từ ngôi trường ấy, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đặt những “tảng đá” cho nền móng sự nghiệp giáo dục cách mạng của nước ta. Đó là việc kết hợp dạy kiến thức với giáo dục đức hạnh và bồi dưỡng tư duy, là phương pháp dạy học vừa sức, dễ hiểu, là sự liên hệ kiến thức đang học với thực tế, kết hợp dạy trong trường và tiến hành các hoạt động ngoại khóa.

Hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đã đưa Hồ Chí Minh đến nhiều quốc gia, châu lục, tiếp xúc với nhiều nền giáo dục trên thế giới. Không chỉ khảo sát, lựa chọn con đường cứu nước, Người còn để tâm nghiên cứu chắt lọc và tiếp thu những điểm tiến bộ của nền giáo dục ở các cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ... và đặc biệt là nền giáo dục toàn dân, toàn diện của nước Nga Xôviết.

Từ việc nhận thức sâu sắc rằng, không có tri thức, người dân thuộc địa không thể có chìa khoá mở cánh cửa độc lập, tự do một cách thực sự, Nguyễn Ái Quốc đã đòi quyền được “tự do học tập” cho nhân dân bản xứ tại hội nghị Véc xây (6/1919).Và tại Đại hội Tua của Pháp (tháng 12-1920), trong bản tham luận đầu tiên của mình, Nguyễn Ái Quốc lên án chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Đông Dương là “ Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người…Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu”[1].

Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh càng ý thức sâu sắc rằng, không có tri thức, nhất là tri thức về lý luận cách mạng, người dân thuộc địa không thể có chìa khóa mở cánh cửa độc lập, tự do một cách thực sự. Trong những năm 1925-1927, mặc dù điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Người đã tổ chức các lớp học lý luận chính trị, xuất phát từ yêu cầu cụ thể của cách mạng Việt Nam và theo phương châm hướng đến người học. Đó là hình mẫu, đặt nền tảng cho việc tổ chức các trường lớp của nền giáo dục cách mạng sau này.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Người đã nhiều lần đến thăm các trường học và các lớp bình dân, viết nhiều thư gửi cho cán bộ, giáo viên, sinh viên và học sinh. Công tác giáo dục được Bác xem là một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thông hiếu học quý báu của dân tộc,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động và tổ chức mọi người dân tích cực tham gia chấn hưng nền giáo dục nước nhà, trước hết là phong trào bình dân học vụ. Ngay trong buổi họp Hội đồng Chính phủ đầu tiên, ngày 3-9-1945, Người đã đặt nhiệm vụ chống nạn mù chữ lên vị trí thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Người cũng luôn đặt công tác giáo dục lên hàng đầu, bởi theo Người “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đó cũng chính là quan điểm để sau này Đảng ta xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Điều đặc biệt là Người nêu tư tưởng chỉ đạo giáo dục và hệ thống giáo dục của nền dân chủ mới không chỉ giúp mọi người dân biết đọc, biết viết, mà còn phải giúp họ có thêm và nâng cao những kiến thức khoa học - kỹ thuật và đời sống.

Và theo Người trong công tác dạy học, người thầy giáo chẳng những phải cung cấp tri thức, phát triển năng lực nhận thức, mở mang trí tuệ cho người học, mà còn phải hết sức chú ý bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho họ, tức là giáo dục toàn diện. Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong bài nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của nhà trường, Người đã nói: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”[2]. Người nêu rõ: trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kĩ thuật, lao động và sản xuất “làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”[3].Đây là những nội dung giáo dục hết sức cơ bản, gắn bó chặt chẽ với nhau, làm nền tảng cho sự phát triển con người Việt Nam.

Với tư cách là vị lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra và chỉ đạo thành công trong thực tế phương châm “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Dưới sự lãnh đạo của Người, dù đất nước liên tục trong hoàn cảnh phải đối phó với nạn ngoại xâm, nhưng nên giáo dục cách mạng Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào, như thực hiện xóa nạn mù chữ, phát triển bổ túc văn hóa; mở rộng hệ thống nhà trường vừa học vừa làm, trường bổ túc công nông, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, trên đại học và gửi lưu học sinh đi đào tạo ở nước ngoài, cung cấp cho sự nghiệp cách mạng một nguồn nhân lực dồi dào, góp phần đánh thắng giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Có thể nói rằng, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho nền giáo dục mới của nước Việt Nam mới - Nền giáo dục của một chế độ ưu việt, mang tính nhân văn cao cả, mà đích hướng tới là đào tạo ra những con người phát triển toàn diện cả đức và tài, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Đảng, phục vụ nhân dân.

                          Bài: Nguyễn Việt Hải (Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông)

 

 


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb CTQG, HN, 2011, t.1, tr.35.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb CTQG, HN, 2011, tập 11, tr.329.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb CTQG, HN, 2011, t.4, tr.7