Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân các nước nước thuộc địa trên toàn thế giới ở thế kỷ 20 nói chung. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm lên sự kiện lịch sử trọng đại ấy là sự chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn về phương hướng tác chiến cùng sự động viên quân dân rất kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ
Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện và lâu dài”, từ 1946 đến 1953 quân dân ta đã dần giành thế chủ động trên khắp các chiến trường và khắp các mặt trận, đẩy quân Pháp rơi vào thế bị động. Mùa hè năm 1953, tướng Na-va được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội tại Đông Dương, mang theo “Kế hoạch quân sự Na-va” hy vọng trong vòng 18 tháng giành được một thắng lợi quyết định về quân sự để làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có “danh dự” cho nước Pháp.
Kế hoạch Na-va thể hiện sự ngoan cố và liều lĩnh của thực dân Pháp với ảo vọng “chuyển bại thành thắng” trong một thời gian tương đối ngắn. Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã họp bàn kế hoạch quân sự Đông – Xuân (1953 – 1954) mà qua đó, vai trò quan trọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh càng được thể hiện một cách nổi bật trong việc xác định đường lối, phương châm chiến lược: “Bác ngồi họp cùng chúng tôi với nét mặt chăm chú mà bình thản. Qua nhiều năm ở gần Bác, chúng tôi đã biết, cứ những khi con thuyền cách mạng gặp sóng to gió lớn là lúc Bác tỏ ra bình tĩnh nhất. Bác lúc nào cũng nhìn tình hình cách mạng bằng cái nhìn xa, rộng, rất lạc quan, đầy tin tưởng ở tương lai. Bác không bao giờ để lộ ra một niềm vui bồng bột cũng như một sự lo âu quá đáng. Đúng là một con người đã được lò lửa đấu tranh cách mạng tôi luyện thành thép” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977).
Thực hiện kế hoạch mà Bộ Chính trị đã đề ra, Quân đội ta lần lượt thực hiện các đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường Đông Dương, buộc thực dân Pháp phải co cụm cố thủ trong thung lũng Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã thông qua phương án mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng quân ủy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch.
Ngày 5/1/1954, Bác trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp để vừa động viên, thể hiện niềm tin của Người đối với quân dân trên mặt trận Điện Biên Phủ, đồng thời thể hiện sự quyết tâm giành chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân và dân ta trong chiến dịch quan trọng này.
Trước khi cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ bước vào trận quyết chiến chiến lược rất quan trọng và đầy khó khăn này, ngày 10/3/1954, Hồ Chủ tịch đã gửi thư để động viên và giao nhiệm vụ cao cả cho toàn thể bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ:
“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang…Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to!
Bác hôn các chú!...”
Ngày 15/3/1954, Bác lại gửi điện khen ngợi động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận. Bức điện nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”.
Ngày 17/3, sau khi quân ta đã tiêu diệt ba vị trí Him Lam, Đồi Độc Lập và Bản Kéo, Hồ Chủ tịch đã có bức điện khen cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Pháo binh 351, Đại đoàn bộ binh 312 cùng toàn thể bộ đội Điện Biên Phủ. Đồng thời một lần nữa Người khẳng định ý nghĩa quan trọng của chiến dịch cũng như việc dồn tất cả sức người, sức của để giành được chiến thắng: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch”.
Ngày 22/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử bác sĩ Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thương binh) và Giáo sư Tôn Thất Tùng (Thứ trưởng Bộ Y tế) trực tiếp làm công tác thương binh tại mặt trận Điện Biên Phủ. Việc bổ sung những bác sĩ giỏi hàng đầu của ngành y tế nước ta lúc bấy giờ phục vụ chiến dịch, cho thấy Bác đặc biệt quan tâm đến chiến trường Điện Biên Phủ nói chung và tính mạng, sức khỏe của bộ đội nói riêng…
Trước tình cảm của Bác, cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ đã khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc: Tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri vào 5 giờ 30 phút, chiều ngày 7/5/1954. Trong niềm vui chiến thắng ấy, Bác đã gửi thư khen ngợi quân đội và nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đồng thời, Người cũng đã chỉ ra nguy cơ chiến tranh còn kéo dài bởi đế quốc Mỹ đang lăm le can thiệp vào Việt Nam: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu. Bất kỳ cuộc đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn…”
Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, quân và dân ta tiến tới giành thắng lợi trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh Bác cùng quan điểm, tư tưởng cách mạng của Người mãi mãi là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn quân và dân ta giành những thắng lợi quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau…
Bài, ảnh: BBT (st)