HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,
ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Bác Hồ với Thương binh - Liệt sỹ
“Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”.
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hoà bình, ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được Nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất.
Sinh thời là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc để lãnh đạo Nhân dân ta kháng chiến và kiến quốc, nhưng hàng năm cứ đến ngày 27 tháng 7, “Ngày Thương binh, liệt sĩ” Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành. Đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đọc những bức thư đó, ai cũng cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ.
Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, Bác viết:
“Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến.
Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.
Khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh, trong thư chia buồn, Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.
Cách đây 70 năm, trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, 17/7/1947, Bác nói về ý nghĩa cao cả của ngày 27 tháng 7. Đó là “Một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Bác là người đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” với những việc làm rất cụ thể. Bác khuyên các cháu thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh, v.v..
Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”. Chính Người đã tiên phong gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127.00đ).
Đặc biệt, nhân ngày 27 tháng 7 hàng năm, Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh. Những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.
Tháng 9/1951, Bác gửi thư cho anh em thương binh Trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm của người cha dành cho con, ân cần, tỉ mỉ, Bác hỏi: Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình dệt một chiếu thường cần mấy giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn, đủ mặc không?
Câu chuyện chiếc điều hoà nhiệt độ trong phòng Bác là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của một con người mà cả cuộc đời “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của Người.
Một lần Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động.
Chiếc điều hoà nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng (lúc này Bác chưa chuyển sang Nhà sàn).
Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hoà nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ:
“Chiếc máy điều hoà nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”.
Ngay chiều hôm đó, chiếc máy điều hoà nhiệt độ trong phòng của Bác được chuyển đi.
Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.
Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu.
Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang Nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Ngày nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình, chúng ta càng nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh và liệt sĩ. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa, như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ, v.v..
Việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Xã hội ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn từ những việc làm đầy tình nghĩa đó. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được nhân dân ta nhân lên và phát huy ngày càng rộng rãi.
Nguồn: Trang tin điện tử Bảo tàng Hồ Chí Minh
THEO DÒNG LỊCH SỬ - NGÀY NÀY NĂM ẤY
- 02/7/1976: Kỷ niệm Ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- 11/7: Kỷ niệm ngày Dân số thế giới.
- 15/7/1950: Kỷ niệm Ngày truyền thống thanh niên xung phong.
- 17/7/1966: Ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
- 20/7/1954: Ngày ký hiệp định Giơnevơ.
- 27/7/1947: Kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sỹ Việt Nam.
- 28/7/1929: Kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Lịch sử ngày thương binh liệt sỹ 27/7
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta.
Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Chiều ngày 28/5/1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự.
Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ.
Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Nguồn: khoahoc.tv/lich-su-y-nghia-ngay-thuong-binh-liet-si…
SỔ TAY NGHIỆP VỤ
- Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số 07/2018, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn những nội dung sau:
- Hướng dẫn xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động” giai đoạn 2018 - 2022:
HƯỚNG DẪN
Xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động” giai đoạn 2018 - 2022
-----------
Thực hiện Hướng dẫn số 08-HD/TWĐTN-BTC ngày 16/5/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động”, giai đoạn 2018 - 2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông hướng dẫn xây dựng tổ chức đoàn cơ sở “3 chủ động”, cụ thể như sau:
- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Hướng dẫn này áp dụng đối với các đơn vị Đoàn cơ sở trong hệ thống tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Nội dung
- Chủ động thực hiện quản lý đoàn viên và chăm lo, nắm bắt tình hình thanh niên ở địa phương, đơn vị
1.1. Chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, nhu cầu tâm tư, nguyện vọng của từng đoàn viên, thanh thiếu niên kể cả các thông tin trên mạng xã hội (zalo, facebook, youtobe,…).
1.2. Chủ động trong công tác quản lý đoàn viên: có danh sách đoàn viên và cập nhật thường xuyên; có theo dõi, nhận xét đánh giá định kỳ hàng năm vào hồ sơ đoàn viên; thực hiện đầy đủ, đúng quy trình phát triển đoàn viên mới, chương trình Rèn luyện đoàn viên; quy trình chuyển sinh hoạt đoàn, trưởng thành đoàn, kỷ luật đoàn viên,…
1.3. Chủ động rà soát, thống kê, lập danh sách những đoàn viên, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trong đơn vị, đặc biệt thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo, thanh niên yếu thế để có kế hoạch giúp đỡ.
1.4. Chủ động phổ biến tới từng đoàn viên và tuyên truyền trong thanh niên những vấn đề mới trong đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác dân tộc, tôn giáo; tình hình thế giới, trong nước, địa phương, đơn vị và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với công tác đoàn và phong trào thanh niên.
1.5. Chủ động chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi của địa phương, đơn vị.
- Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác
2.1. Chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác của đơn vị nhằm cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy Đảng, lãnh đạo địa phương, đơn vị và Đoàn cấp trên.
2.2. Chủ động triển khai thực hiện chương trình công tác hàng năm của đơn vị; tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị; triển khai thực hiện công trình (phần việc) thanh niên.
2.3. Chủ động chỉ đạo các chi đoàn tổ chức sinh hoạt chi đoàn định kỳ.
2.4. Chủ động xây dựng và phát triển tổ chức, đặc biệt trong việc thực hiện chủ trương 1 + 1 (1 đoàn viên vận động, tập hợp ít nhất 01 thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội).
2.5. Chủ động trong kiểm tra, đánh giá, tự phê bình và phê bình; trong phát hiện, nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến.
- Chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với các tổ chức liên quan
3.1. Chủ động tham mưu cấp ủy Đảng về cơ chế, nội dung trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; trong chỉ đạo các hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác thanh niên.
3.2. Chủ động tham mưu cấp ủy Đảng thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ Đoàn tại cơ sở.
3.3. Chủ động tham mưu cho cấp ủy trong công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.
3.4. Chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, chi ủy thôn (khu, ấp, bản…) trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp ủy giao; trong tham mưu cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa phương, đơn vị.
3.5. Chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị.
III. QUY TRÌNH THỰC HIỆN
- Bước 1: Trên cơ sở các nội dung của hướng dẫn, căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch và báo cáo với Đoàn cấp huyện về việc xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động” xong trước ngày 25/10 của năm trước.
- Bước 2: Đoàn cấp huyện phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, đồng thời báo cáo tình hình đăng ký, triển khai về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xong trước ngày 28/10 của năm trước; Đoàn cấp tỉnh phân công ban chuyên môn theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
- Bước 3: Hàng năm, Đoàn cấp huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá và ra quyết định công nhận đoàn cơ sở “3 chủ động”. Đoàn cấp tỉnh định kỳ tổ chức các diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai đoàn cơ sở “3 chủ động”; tổ chức tuyên dương đoàn cơ sở “3 chủ động” 2 lần/nhiệm kỳ.
* Lưu ý: Kết quả triển khai thực hiện xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động” là tiêu chí quan trọng đánh giá đoàn cơ sở hàng năm; đồng thời là cơ sở bình xét danh hiệu, giải thưởng đối với đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở đó.
- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Tỉnh đoàn
- Xây dựng, triển khai Hướng dẫn xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động” tới các Huyện, Thị đoàn và Đoàn trực thuộc.
- Giao Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn làm thường trực và phối hợp với các phòng, Ban phụ trách cụm hoạt động theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện của các Huyện, Thị đoàn, Đoàn trực thuộc.
- Ban Tổ chức – Kiểm tra Tỉnh đoàn kiểm tra (gắn với Kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm) và đánh giá kết quả triển khai xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động” hàng năm.
- Kết quả chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng cơ sở đoàn “3 chủ động” là nội dung đánh giá trong Bộ tiêu chí đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp huyện.
- Các Huyện, Thị đoàn và Đoàn trực thuộc
- Căn cứ hướng dẫn này, xây dựng nội dung triển khai cơ sở đoàn “3 chủ động” phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị.
- Đoàn cấp huyện đưa tiêu chí xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động” vào tiêu chí thi đua giữa các đơn vị.
- Đoàn cấp huyện phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn và giám sát việc tổ chức triển khai của cơ sở.
- Hàng năm tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện xây dựng đoàn cơ sở “3 chủ động”.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề nghị Ban Thường vụ các Huyện, Thị đoàn và Đoàn trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn qua Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn (địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., ĐT: 02613.548.146) trước ngày 20/10 hàng năm.
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018)
KẾ HOẠCH
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ
(27/7/1947 - 27/7/2018)
-----------
Thực hiện chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2018; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), cụ thể như sau:
- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Mục đích
- Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của đoàn viên thanh niên đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nêu cao trách nhiệm, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao trách nhiệm và vai trò của tuổi trẻ trong tham gia chăm sóc người có công, góp phần cùng các cấp, các ngành chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
- Yêu cầu
- Các hoạt động phải được tổ chức nghiêm túc, đảm bảo trang trọng, xúc động, có tác dụng giáo dục sâu sắc, tránh hình thức, lãng phí; tạo sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân; thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân tham gia.
- NỘI DUNG
- Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về lịch sử ra đời và ý nghĩa của Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với thế hệ cha anh đã hi sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với các hình thức như: Tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, hệ thống tuyên truyền trực quan (băng rôn, khẩu hiệu...), sinh hoạt chi đoàn, chi hội, nói chuyện truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với chủ đề các ngời truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha anh, ca ngợi sự hi sinh anh dũng, các chiến công của các anh hùng liệt sỹ...
- Tổ chức tuần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”
- Thời gian tuần “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” tập trung cao điểm từ ngày 20/7 đến 27/7/2018.
- Động viên, khích lệ tuổi trẻ hăng hái tham gia có hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; động viên, thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng, động viên, thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
- Tổ chức các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khoẻ như: Khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí gia đình chính sách và các gia đình tại vùng căn cứ cách mạng, vùng khó khăn...
- Tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ, các di tích lịch sử.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà tại các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh. Tuyên dương khen thưởng các điển hình con em gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng học giỏi, hiếu thảo, tích cực trong công tác Đoàn - Hội - Đội.
- Tổ chức khảo sát và vận động xây dựng nhà tình nghĩa; nhà nhân ái, sửa chữa nhà tình nghĩa đã hư hỏng, xuống cấp; các hoạt động của tuổi trẻ giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
- Đồng loạt tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ
3.1. Thời gian: 20h00’ ngày 26/7/2018.
3.2. Công tác chuẩn bị
- Xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể và các ngành như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và đào tạo; Cựu chiến binh; Thanh niên xung phong cùng phối hợp tham gia tổ chức.
- Các điều kiện âm thanh, ánh sáng phù hợp, chuẩn bị hương, hoa, nến… (đảm bảo mỗi phần mộ nên có một bông hoa tươi, một cây nến, một nén hương).
- Làm việc với ban quản lý nghĩa trang, khu tưởng niệm để phối hợp thực hiện.
- Làm đẹp các phần mộ và nghĩa trang, đảm bảo các ngôi mộ, các nghĩa trang đều được chăm sóc sạch đẹp.
- Bố trí lực lượng đoàn viên, thanh niên, đội nghi thức thiếu nhi tham gia buổi lễ (căn cứ vào quy mô của nghĩa trang liệt sỹ để huy động lực lượng phù hợp ).
- Trang phục buổi lễ: Áo thanh niên Việt Nam, quần sẫm màu; thanh niên lực lượng vũ trang mặc sắc phục của ngành.
3.3. Chương trình buổi lễ
- Sắp xếp đội hình, ổn định tổ chức.
- Chào cờ, Quốc ca.
- Phút mặc niệm (nhạc Hồn tử sỹ).
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
- Lễ dâng hương tưởng niệm.
- Đại biểu, đoàn viên, thanh thiếu nhi thắp nến, hương và đặt hoa tươi trên các phần mộ (trên nền nhạc những bài ca ngợi đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, như: bài hát “Bài ca không quên”, sáng tác của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn).
- Mỗi đơn vị tùy theo điều kiện của mình có thể thiết kế chương trình gắn với giao lưu với các nhân chứng lịch sử của địa phương, văn nghệ với các ca khúc cách mạng và tri ân các anh hùng liệt sỹ; tặng quà các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Tỉnh đoàn
- Ban hành kế hoạch, chỉ đạo các huyện, thị đoàn và đoàn trực thuộc thực hiện các hoạt động theo đúng tiến độ và tinh thần của kế hoạch đề ra; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018).
- Tổ chức thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ cấp tỉnh vào 20h00’ tối 26/7/2018 tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh.
- Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn chủ trì tham mưu các hoạt động cấp tỉnh và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các hoạt động ở cơ sở để kịp thời tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trong chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch.
- Các huyện, thị đoàn và đoàn trực thuộc
- Căn cứ kế hoạch của tỉnh, cụ thể hoá các hoạt động phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị; báo cáo chủ trương với cấp ủy, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động đạt hiệu quả.
- Đồng loạt tổ chức Lễ Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ (tối 26/7/2018) tại Nghĩa trang Liệt sĩ, bia đài tưởng niệm trên địa bàn huyện; chỉ đạo các đoàn xã, phường, thi trấn tổ chức Thắp nến tri ân tại các đài tưởng niệm tại địa phương, đơn vị.
- Chỉ đạo cấp cơ sở tham gia Lễ thắp nến tri ân, đồng thời có các hoạt động tích cực hưởng ứng Tuần lễ cao điểm “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đạt kết quả cao nhất. Phấn đấu mỗi cơ sở đoàn có một hoạt động hưởng ứng Tuần đền ơn đáp nghĩa.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đề nghị các đơn vị nghiên cứu, nghiêm túc triển khai hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời gửi báo cáo kết quả hoạt động về Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn trước ngày 01/8/2018 (có phụ lục kèm theo).
BÀI HÁT THANH NIÊN
Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát:
Bước chân thanh niên.
Sáng tác: Phan Bảo.
Từ muôn nơi, cùng về đây
Được chung sức cống hiến cho ngày mai
Vì hạnh phúc, vì no ấm, và đâu khó sẽ có thanh niên...
Đường dài chông gai gian nan phía trước
Là đoàn viên xin nâng chắp tay thề
Ta đi ta đi vì ngày mai
Ta đi ra đi vì tương lai
Quyết bước tiến không lui
Noi gương theo chân của cha anh...
Giục lòng ta, giục lòng ta...
Lời cô bác, lời cô bác...
Gọi ta đến với những phương trời xa
Dù đèo cao, dù biển sâu
Ngại ngần chi ta đi lên thanh niên...
Cùng về nơi đây chung tay góp sức
Là đoàn viên xin hãy nói sẵn sàng
Thanh niên ta đi ngày hôm nay
Mong cho tương lai một ngày mai
Xóa hết những đói nghèo
Đau thương khó khăn đều vượt quaa.......haaaa
Được hát vang khúc ca Đoàn với muôn người
Kề sát vai chung một niềm tin
Xung phong luôn đi bất cứ nơi đâu ta không hề ngại xa xôi
Mang thêm yêu thương cho mọi nơi hạnh phúc ấm no
Cùng bước theo tiếng của người quyết tâm sát vai dựng xây cho ngày mai.
Cùng về nơi đây chung tay góp sức
Là đoàn viên xin hãy nói sẵn sàng
Thanh niên ta đi ngày hôm nay
Mong cho tương lai một ngày mai
Xóa hết những đói nghèo
Đau thương khó khăn đều vượt quaa.......haaaa
Được hát vang khúc ca Đoàn với muôn người
Kề sát vai chung một niềm tin
Xung phong luôn đi bất cứ nơi đâu ta không hề ngại xa xôi
Mang thêm yêu thương cho mọi nơi hạnh phúc ấm no
Cùng bước theo tiếng của người quyết tâm sát vai dựng xây cho ngày mai.
Được hát vang khúc ca Đoàn với muôn người
Kề sát vai chung một niềm tin
Xung phong luôn đi bất cứ nơi đâu ta không hề ngại xa xôi
Mang thêm yêu thương cho mọi nơi hạnh phúc ấm no
Cùng bước theo tiếng của người quyết tâm sát với sức sống cho ngày mai.