8:19 Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024
Gửi cho bạn bè

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 01/2022
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 01/2022

Ngày Đăng: 10/01/2022, Lượt Xem: 1868

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN

Tháng 01/2022

Lưu hành nội bộ

I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chuyện kể về Bác

BÁC HỒ VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM

Với bất kì quốc gia nào trên thế giới, thanh niên, học sinh, sinh viên chính là tương lai của đất nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển. Chính vì vậy, lúc sinh thời, Bác Hồ hết sức quan tâm tới học sinh, sinh viên – thế hệ tương lai của đất nước của nước nhà.

Khoảng tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam, Bác đã khẳng định: “Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Theo Bác, công tác giáo dục thế hệ trẻ ngay từ bậc mầm non, tiểu học có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện đạo đức và nhân cách con người đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ có nền tảng phát triển. Bác đã nói, cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm”. Bác thường nhắc nhở: “chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Tư tưởng tiến bộ đó của Bác đã cho chúng ta nhận thấy giá trị quan trọng của công tác giáo dục nhi đồng nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung – sự nghiệp đó phải thực sự khoa học và nghiêm cách.

Đối với việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức – những thanh niên, sinh viên đang được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng được Bác dành sự quan tâm đặc biệt. Ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên, việc giáo dục đào tạo không phải là “cầm tay chỉ việc”, uốn nắn từng chút một, mà quan trọng là phải truyền được cho các em tinh thần tự học, tự khám phá, chủ động, sáng tạo, giúp các em định hướng được mục đích của việc tự học tập, tự xác định được con đường phấn đấu cho tương lai. Chỉ như vậy các em mới có thể kiên trì trên con đường học tập theo phương châm “học, học nữa, học mãi” của lãnh tụ Lê nin vĩ đại.

Bác yêu cầu sinh viên: “Phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?”. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7.5.1958, Bác nhấn mạnh: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Bác chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ hầu hạ chúng. Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau”, “Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Từ đó có thể thấy, nhiệm vụ của thanh niên trí thức thời đại mới không chỉ là ra sức học tập để làm chủ được tri thức, công nghệ mới, mà còn phải xác lập được cho mình lý tưởng cộng sản đúng đắn. Lý tưởng đúng đắn chính là cứu cánh, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh chống lại cái xấu, chống lại những cám dỗ bên ngoài, giúp thanh niên vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành mục tiêu.

Trong vấn đề học tập, Bác nhắc nhở học sinh, sinh viên Việt Nam rằng: “Làm nghề gì cũng phải học” và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân càng no ấm, vui tươi”. Điều đó có nghĩa rằng ngay cả đối với một bộ phận thanh niên không theo học đại học, cao đẳng, thì việc học cũng luôn là việc hết sức quan trọng. Học từ các lớp dạy nghề, học từ kinh nghiệm cuộc sống, từ người đi trước, tự học…để nâng cao lối sống tích cực, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để ứng dụng được kiến thức vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội.

Bác cũng luôn lưu ý học sinh, sinh viên rằng, để việc học tập thành công và trở nên hữu ích thì học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải đi cùng thực tiễn. Bác nói: “Chỉ biết lý thuyết mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa, “lý luận phải gắn liền với thực tế”.

Ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thế hệ trẻ phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Bác nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. “Đức”, ở đây như Bác nói là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta, Bác yêu cầu rèn luyện để có đạo đức cách mạng. Bác giải thích đạo đức cách mạng rất giản di, cụ thể: “Đạo đức cách mạng không phải là những điều cao siêu, xa lạ mà đối với mỗi người bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm một việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

“Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bác coi “đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Người đã khẳng định: Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà…Chính vì thế, việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn xã hội, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Nhớ lời dạy của Bác kính yêu, mỗi thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam “cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập; Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị; Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được; Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp..”; những nhà quản lý giáo dục, những thầy cô giáo – là những người có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp trồng người, hãy luôn khắc ghi những lời Bác căn dặn, coi đó là kim chỉ nam định hướng cho triết lý giáo dục hiện đại nhằm tìm ra giải pháp đưa nền giáo dục nước nhà phát triển tích cực và bền vững, góp sức vào công cuộc CNH-HĐH đất nước, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

                                                                                                                             Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn

II. BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

ĐÂU PHẢI DỰA DẪM, LỆ THUỘC!

Không khó để nhận ra, dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12) vừa qua, bên cạnh những lời chúc mừng tốt đẹp, bày tỏ sự ghi nhận của đông đảo quần chúng dành cho cán bộ, chiến sĩ quân đội, vẫn còn đó một vài cá nhân chủ ý nêu lên chính kiến trái chiều, bày tỏ sự hoài nghi, lo ngại về tính hiệu quả của công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) và hợp tác trên lĩnh vực quân sự của QĐND Việt Nam.

 

 

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 triển khai đến Nam Sudan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)

 

 

Các ý kiến này cho rằng, quân đội chỉ nên tập trung vào công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc; rằng "không nên dấn thân vào một lĩnh vực "trái ngành", non yếu về nguồn lực, không những chẳng mang lại ích lợi gì, mà còn tự “vạch áo cho người xem lưng” về sự dựa dẫm, lệ thuộc vào nước lớn".

1. Phải khẳng định ngay: Những phát ngôn trên là hoàn toàn thiếu cơ sở, mang nặng tính phiến diện, áp đặt - là dấu hiệu ban đầu nhưng khá rõ nét của biểu hiện “tự diễn biến” ở một bộ phận cán bộ, quần chúng về vị trí, chức năng và đặc thù hoạt động của QĐND Việt Nam. Dù chỉ là những phát ngôn nhỏ lẻ, nhưng tác hại gây ra là rất rõ, khiến một số quần chúng băn khoăn về tính hiệu quả trong một lĩnh vực hoạt động quân sự quan trọng. Về lâu dài, những ý kiến này nếu “lây lan” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác ĐNQP; tác động tiêu cực đến việc hiện thực hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; tạo rào cản vô hình, kìm hãm sức lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến với bè bạn quốc tế.

Phủ định những biểu hiện “tự diễn biến” nêu trên, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu thực tế, phác họa bức tranh tổng thể về hoạt động ĐNQP và tính hiệu quả của lĩnh vực công tác này đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói riêng.

Còn nhớ, khoảng tháng 3/2021, mạng xã hội dậy sóng trước sắc đẹp và bày tỏ sự cảm phục về câu chuyện Thiếu úy QNCN Lê Na công tác tại Bệnh viện Quân y 175 mang trên mình bộ quân phục của lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB). Với hai lần tự nguyện nộp hồ sơ, trải qua quá trình tuyển chọn nghiêm khắc, Lê Na tự hào khi được lựa chọn tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3 làm nhiệm vụ GGHB của Liên hiệp quốc (LHQ) tại Cộng hòa Nam Sudan. Người thân và bạn bè toan lo, liệu Lê Na có vững vàng đối diện thử thách và hoàn thành nhiệm vụ nơi "chảo lửa", cũng là quốc gia còn nghèo khó? Thế nhưng, Lê Na không hề ngần ngại trước mọi vất vả, niềm tự hào đã hiện hữu trên gương mặt tinh khôi của nữ quân nhân.

Lê Na cho biết chị là người may mắn, bởi đội hình những cán bộ, sĩ quan quân đội lên đường thực hiện sứ mệnh GGHB chỉ là số ít trong danh sách những bộ hồ sơ, những người chủ động xung phong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Có lẽ bởi thế mà Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam luôn tự hào: "... Ít ai trên hành tinh này có thể hiểu được giá trị của một nền hòa bình như những cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, những người đứng trong đội quân cách mạng từng kinh qua nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, tham gia hoạt động GGHB tại các phái bộ ở châu Phi cũng là một đóng góp của quân đội và đất nước vào việc duy trì hòa bình bền vững trên thế giới".

2. Với trọng trách ấy, qua hơn 7 năm xây dựng và trưởng thành (2014-2021), lực lượng GGHB Việt Nam đã đạt thành tựu nổi bật, có nhiều đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả cho hoạt động GGHB LHQ, được LHQ và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Lực lượng tham gia tại các phái bộ của Việt Nam tiếp tục được duy trì và bảo đảm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của LHQ. 100% cán bộ, sĩ quan đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam được LHQ đánh giá cao về chuyên môn y tế, nhận được nhiều thư khen của lãnh đạo LHQ. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều sĩ quan trúng tuyển vào các vị trí tại Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở LHQ ở New York (Hoa Kỳ). Với sự tham gia của các sĩ quan ở cơ quan đầu não của LHQ về GGHB, Việt Nam không chỉ tuân thủ và làm theo các quy tắc, luật lệ được hoạch định sẵn mà còn tiến tới tham gia vào quá trình xây dựng các quy tắc, luật lệ của hoạt động GGHB.

Có lẽ bởi thế mà trong ánh nhìn của những nhà ngoại giao có tên tuổi ở Việt Nam, việc tham gia lực lượng GGHB nói riêng, ĐNQP nói chung đã thực sự trở thành một trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của đất nước. GS. TS. Phạm Quang Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng chia sẻ với báo giới, khẳng định công tác ĐNQP của Việt Nam đã góp phần thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực và trên thế giới. Trong đó, dấu ấn nổi bật là sự tham gia tích cực, hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động GGHB của LHQ. Trong khi đó, đánh giá về kết quả các sĩ quan QĐND Việt Nam thực hiện trong lĩnh vực hoạt động GGHB, cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định chỉ có hai từ để nói, đó là: “Tuyệt vời!”.

Đặc biệt, trong ánh nhìn của phần lớn người dân Việt Nam, những sĩ quan QĐND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ biệt phái là một cuộc đi nhiều ý nghĩa, giúp thế giới hiểu hơn về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nể phục hơn Bộ đội Cụ Hồ qua các giai đoạn cách mạng đều hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng. Kết quả ĐNQP, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương đã tạo nên hình ảnh về một đối tác tin cậy, một đội quân biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo ra tiềm lực, tiềm năng và khả năng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; góp phần khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của một Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế.

3. Thế nhưng, vị thế và vóc dáng của Bộ đội Cụ Hồ không chỉ khẳng định trên mặt trận ngoại giao mà còn hiện hữu trong chính những "cuộc chiến thương trường" toàn cầu.

Hãy nghĩ về thuật ngữ địa chính trị “tây bán cầu”-một miền đất vô cùng xa xôi với Việt Nam, gồm Bắc Mỹ, Trung, Nam Mỹ và các đảo vùng Caribe trong đó có quốc đảo Haiti. Ở nơi ấy, đã có những quân nhân Việt Nam tìm đến để làm kinh tế và giúp nước bạn. Càng ấn tượng và đáng ghi nhận là cách đến, cách ở lại và cách đi lên của những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ ở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Vào tháng 8/2012, cơn bão Isaac quét qua Haiti gây thiệt hại nặng nề, hầu hết các mạng viễn thông đều gián đoạn. Trong tình hình đó, hệ thống cầu truyền hình nội bộ của Chính phủ do Natcom xây dựng là công cụ duy nhất để Tổng thống Michel Martelly liên lạc và điều hành việc chống bão lũ tới các địa phương của Haiti. Ngay sau bão là động đất và nạn dịch tả tràn qua, nhiều đối tác không ngần ngại “bỏ của chạy lấy người”, thế nhưng, với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, nhân viên Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đã không nao núng. Họ kiên định đồng hành nơi đất nước nghèo khó ở châu Mỹ Latinh, với lời hứa chắc nịch: "Chúng tôi là Bộ đội Cụ Hồ thì hẳn sẽ có cách để giúp các bạn". Và liên danh Natcom ra đời đã góp phần giúp Haiti vượt qua khó khăn, bình ổn đến hôm nay.

Với trách nhiệm quốc tế cao cả, Bộ đội Cụ Hồ ở Viettel không chỉ khẳng định tầm cao trí tuệ, nhạy bén, sáng tạo trong tham gia hội nhập kinh tế mà còn mạnh dạn đầu tư ra hàng chục thị trường trên thế giới. Ở tất cả những quốc gia có sự hiện diện của Viettel, người bản địa luôn ngợi ca, tôn vinh và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc. Chính phủ Việt Nam và ngay cả ban lãnh đạo của Tập đoàn Viettel đã nhiều lần thừa nhận: Có nhiều nguyên nhân giúp Viettel thành công, nhưng cái lõi và hồn cốt chính là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được thấm, ngấm trong văn hóa Viettel, trở thành máu thịt của mỗi con người Viettel. Đó là ý chí, nghị lực, tinh thần kỷ luật, đức hy sinh, sự kiên định vươn lên không mệt mỏi vì những lý tưởng và khát vọng không chỉ vì lợi nhuận kinh tế đơn thuần mà còn là lợi ích quốc gia, dân tộc, là danh dự, uy tín của QĐNĐ Việt Nam.

4. Vậy nên, công tác ĐNQP và các hoạt động hợp tác quốc tế của QĐND Việt Nam không thể là phần việc vô bổ, thiếu hiệu quả; cũng có nghĩa, QĐND Việt Nam hoàn toàn không phải là đội quân "ăn bám, lệ thuộc vào các nước khác" như cách nhìn phiến diện của một số cá nhân hoặc chủ ý suy diễn, giả ngơ, giả điếc của một số người. Thực tế là hằng ngày, hằng giờ, dù ở bất kể nơi nào trên mọi miền Tổ quốc hay trên địa cầu này, cán bộ, chiến sĩ quân đội đều đang hoạt động, làm việc, thực hiện sứ mệnh đặc thù riêng có, âm thầm mang đến những điều kỳ diệu cho Tổ quốc và bạn bè quốc tế.

Đó là những cán bộ, chiến sĩ trong các quân chủng, binh chủng đã và đang tích cực tham gia vào hoạt động ĐNQP, hợp tác quân sự trên các lĩnh vực đặc thù để kết nên sức mạnh quân sự Việt Nam. Đó là bộ đội biên phòng cùng các quân khu, bộ đội địa phương làm tốt việc giữ vững an ninh biên giới, thực hiện tốt chủ trương ngoại giao với các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Đó là những quân nhân trí thức ở các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu, chủ động hợp tác với quân đội các nước vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học công nghệ, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... mới đây nhất là sự hợp tác nghiên cứu với Cuba, Liên bang Nga trong sản xuất vaccine, thuốc phòng và điều trị Covid-19; mở rộng trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch với các nước: Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN... Đặc biệt, việc hợp tác giữa QĐND Việt Nam với quân đội các nước, đối tác và bè bạn quốc tế hướng đến cả lĩnh vực trao đổi, nghiên cứu, phát triển lý luận; chia sẻ kinh nghiệm tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị; hợp tác trên nhiều mặt, lĩnh vực của hoạt động quân sự cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật.

Như vậy, rõ ràng dù cán bộ, chiến sĩ quân đội công tác ở nhiều lực lượng, lĩnh vực hoạt động khác nhau, chức năng, nhiệm vụ cũng không hẳn giống nhau, nhưng đều có chung tinh thần, trách nhiệm tham gia hoạt động ĐNQP, hướng đến mục tiêu hợp tác toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vì sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Tất cả những điều đó đã, đang và sẽ kết nên những giá trị phẩm chất mới, tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

                                                                                                                           Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn

 

III. THEO DÒNG LỊCH SỬ

- Kỷ niệm 18 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2022);

- Kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (06/01/1946 – 06/01/2022);

- Kỷ niệm 43 năm Ngày chiến thắng Biên giới Tây nam (07/01/1979 – 07/01/2022);

- Kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2022);

- Kỷ niệm 81 năm Ngày khởi nghĩa Đô Lương (13/01/1941 – 13/01/2022);

- Kỷ niệm 62 năm ngày Bến Tre đồng khởi (17/01/1960 – 17/01/2022);

- Kỷ niệm 62 năm Ngày chiến thắng Tua Hai (26/01/1960 – 26/02/2022);

- Kỷ niệm 49 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/01/1950 – 27/01/2022);

- Kỷ niệm 81 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam 28/01/1941 – 28/01/2022).

 

1. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên- bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta (06/01/1946)

Sự ra đời của Quốc hội và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước gắn liền với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với việc bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường chính quyền. 

 

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, một trong 6 vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh: TL

 

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh ghi rõ: "Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17-8-1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 29-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Về ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người nói: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”; "Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”; "Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những đối tượng được ra ứng cử đại biểu Quốc hội, theo Người là "Những người muốn lo việc nước” và "Hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”.

Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế-xã hội hết sức khó khăn. Do vậy, cuộc Tổng tuyển cử lần này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Đặc biệt trong quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 ghế đại diện của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc), Việt cách trong Quốc hội mà không thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời. Đây là sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động và hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: "Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”. Bởi theo Người: "Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”, "Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”.

Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: "... Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Để mọi cử tri thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của mình, trên Báo Cứu quốc số đặc biệt ra ngày 6-1-1946 có đăng bút tích của Người: "Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta”.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi. Chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày 23-12-1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết đều tiến hành ngày 6-1-1946. Tất cả 71 tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu. Tại thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu; kết quả 6 trong 74 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết...”. Người mong rằng Quốc hội phải cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trước nhân dân. Và để làm được điều đó: "… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Trong quá trình đó, một mặt phải phát huy vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội nhưng mặt khác người dân phải phát huy quyền của mình. Người khẳng định: "Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...” và "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.

75 năm đã qua, ngày 6-1-1946 đã đi vào lịch sử của dân tộc ta. Quốc hội Việt Nam đến nay đã tiến hành 14 cuộc bầu cử và Chủ nhật ngày 23-5-2021, Quốc hội tiến hành cuộc bầu cử thứ 15 để bầu Quốc hội khóa XV và bầu cử hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026. Kế thừa và phát huy giá trị lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, các cuộc bầu cử Quốc hội tiếp theo luôn thể hiện quyết tâm và ý chí độc lập tự do, giữ vững chủ quyền dân tộc của Nhân dân ta, tự mình sáng suốt lựa chọn người đại diện chân chính của mình vào Quốc hội, tự mình quyết định tham gia vào việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

                                                                                                                                Nguồn: Báo hải Quân Việt Nam.

2. Lịch sử ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên Việt Nam (9/01/1950)

Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ. Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ … đã diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp khắp hai miền Nam - Bắc.

 

Ngày 09/01/1950, Đoàn thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường Pháp - Việt tại Sài Gòn như  Pétrus Ký, Chasseloup Laubat, Marie Curie, Taberd, Gia Long, Huỳnh Khương Ninh, Việt Nam học đường, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khuê, Mỹ thuật Gia Định, trường Pháp lý, Y Dược,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt, trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn.

Học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình ngày 9/1/1950

Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn đưa đơn thỉnh nguyện. Bọn cảnh sát và lính đã đàn áp dã man đoàn biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ và bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và cảnh sát Bình Xuyên. Nhiều em học sinh ngã gục trước sự đàn áp dã mãn.

Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Thi thể anh Trần Văn Ơn được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, được lực lượng học sinh cùng các y, bác sĩ, công nhân ở bệnh viện túc trực canh bảo vệ không cho bọn địch phi tang.Tin Trần Văn Ơn mất đã ngay lập tức gây náo động trong giới học sinhsinh viên Sài Gòn, trở thành tâm điểm và đồng loạt các tờ báo lớn của Sài Gòn đã đưa tin. Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950, đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Trước linh cữu anh là hương án có 2 câu viết bằng máu của học sinh:

Chết vì tổ quốc, chết mà vẫn sống,

Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.

Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Trong số đó, điếu văn của đại biểu các học sinh, sinh viên có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1- ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt!”

Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh - sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh - sinh viên.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V diễn ra ngày 22 - 23/11/1993 tại thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09/01 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Trải qua 72 năm thành lập, các thế hệ học sinh - sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng, đó là: ”Truyền thống yêu nước nồng nàn, gắn bó với chế độ XHCN, trung thành với Đảng, với nhân dân, tự hào về dân tộc và Bác Hồ kính yêu, về lực lượng vũ trang anh hùng, về Đoàn, về Hội. Truyền thống hiếu học, say mê sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao của khoa học, công nghệ, văn học - nghệ thuật, thể dục thể thao… Truyền thống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong học tập nghiên cứu khoa học, chia sẻ khó khăn với nhân dân, không đòi hỏi cho riêng mình khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn thiếu thốn”.

Phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam, Hội sinh viên Trường Đại học Tân Trào đã không ngừng phấn đấu, học hỏi, phát huy sức trẻ, sự năng động sáng tạo đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện.

                                                                                                                                                     Nguồn: Đại học Tân Trào.

 

3. 81 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, tạo bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam.

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), một nơi bí mật có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui. (Ảnh: TTXVN phát)

 

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - tiền đề cho những thắng lợi sau này.

Người thanh niên yêu nước và khát vọng về con đường giải phóng dân tộc

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Chúng biến Việt Nam thành nước thuộc địa nửa phong kiến và dùng mọi thủ đoạn thâm độc khai thác tài nguyên, bóc lột dã man của cải và sức lao động của nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc.

Phát huy truyền thống yêu nước, nhân dân đã đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nhưng đều thất bại. Nhiều chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã xuất dương tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm ra một con đường hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, tại một làng quê nhỏ bé - làng Sen ở Nam Đàn, Nghệ An, có người thanh niên vẫn ngày ngày nung nấu quyết tâm “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Đó chính là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Ngày 5/6/1911 với tên gọi là Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu nước đáp ứng yêu cầu: cứu nước đồng thời cứu được dân.

Trong những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, qua đó bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát.

Người đã rút ra kết luận: chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.

Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam.

Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam.

Tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài

Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phátxít Đức (tháng 6/1940) theo Người nhận định “là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng.”

Ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng hai tết Tân Tỵ), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Không phải ngẫu nhiên Bác chọn Cao Bằng là nơi trở về.

Đây là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới triển vọng của phong trào cách mạng cả nước. Với tầm nhìn chiến lược của một vị Lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Tháng 10/1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.”.

Tầm nhìn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chọn Cao Bằng là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược cho cách mạng giải phóng dân tộc, thấy được mối quan hệ biện chứng giữa một địa phương với toàn quốc, giữa phong trào cách mạng một vùng với phong trào cách mạng cả nước, nhận thức, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai.

Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn thiên tài của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Pác Bó-Hà Quảng-Cao Bằng đã trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “cội nguồn,” “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.”

Những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tế một cách nhanh chóng và linh hoạt, từng bước đưa cách mạng cả nước tới thắng lợi mà đỉnh cao là thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam

Việc Bác Hồ trở về Tổ quốc vào mùa xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay Nhân dân; thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ; cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng.

Quyết định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước Đồng minh chống lại chủ nghĩa phátxít; cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Đó là bài học về xây dựng căn cứ địa cách mạng; bài học về dự báo và nhận định, đánh giá đúng tình hình, xu thế vận động của cách mạng từ đó kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược cách mạng phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra; bài học về xác định “thời cơ” và chớp thời cơ cách mạng; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về xác định nhiệm vụ cách mạng; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi (Mặt trận Việt Minh); bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình.

Những bài học này có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mãi mai sau.

Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vào thời điểm đang diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, thể hiện lòng tự hào, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước./.

                                                                                                                                       Nguồn: Báo Thông tấn xã Việt Nam.

IV. PHÁP LUẬT VÀ CÁC VĂN BẢN CỦA ĐOÀN

1. Các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 01/2022

1.1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động:

Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019, năm 2022,tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 06 tháng, tăng 03 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 08 tháng, tăng 04 tháng so với năm 2021. Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 05 -10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

1.2.Tăng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội

Tin vui cho những ai đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội,trợ cấp hằng tháng là kể từ ngày 01/01/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp của họ chính thức được tăng theo Nghị định 108 của Chính phủ. Mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021. Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:

- Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

1.3. Thu nhập dưới 2 triệu/tháng ở thành phố được coi là nghèo:

Đây là nội dung của Nghị định 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015. Cụ thể, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo. Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng -1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng - 01 triệu đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

1.4.Không phân loại rác, không được thu gom

Luật Bảo vệ môi trường 2020 là một trong những Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định (Hiện nay, theo Nghị định 155 năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạttừ 15 đến 20 triệu đồng). Ngoài ra, Luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 01/01/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phảitrả nhiều tiền. Trước khi có luật mới này, phí thu gom rác thải được tính theo cơ chế cào bằng, người xả nhiều hay xả ít cùng đều đóng phí như nhau. Điều này được cho là không công bằng và không tạo động lực để người dân hạn chế xả rác, góp phần bảo vệ môi trường.

1.5. Ấn định mức lãi suất cho vay mua nhà ở năm 2022:

Những ngày cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ra Quyết định 1956 ấn định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022, đối với dư nợ của các khoản vay mua nhà ở. Mức lãi suất này được quy định là 4,8%/năm,

bằng với mức lãi suất năm 2021 và giảm 0,2%/năm so với các năm 2019 và 2020.

Đối tượng được vay vốn là: Cán bộ, công chức, viên chức và người thu nhập thấp cần vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc mua ở nhà thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; hoặc mua nhà ở thương mạitại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có tổng giá trị hợp đồng mua bán không quá 1,05 tỷ đồng...

1.6. 10 ngày điều chỉnh giá xăng 1lần:

Có hiệu lực từ ngày 02/01/2022 là Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu. Nghị định 95 quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, mùng 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo. Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.

1.10. Chính thức xử phạt ô tô kinh doanh vận tảikhông lắp camera giám sát:

Các chủ xe ô tô kinh doanh vận tải cần hết sức lưu ý, bắt đầu từ ngày 01/01/2022, nếu ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt. Đây là tinh thần của Nghị quyết 66 năm 2021 của Chính phủ. Đáng lẽ, quy định xử phạt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2021 theo Nghị định 100 năm 2020, tuy nhiên sau đó Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết hết ngày 31/12/2021. Tức là, từ ngày 01/01/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng... bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạttừ 01- 02 triệu đồng.

2. Các văn bản đáng chú ý của Đoàn

1. Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 20/8/2021 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội đoàn các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022–2027.

2. Kế hoạch số 469-KH/TWĐTN-BTG ngày 20/12/2021 của ba Bí thư Trung ương Đoàn về tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc tuyên truyền Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

3. Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Nông về việc lãnh đạo Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp và Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

4. Kế hoạch số 246-KH/TĐTN-TCXDĐ ngày 08/10/2021 của ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông về tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ IV Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông và Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

5. Hướng dẫn số 60-HD/TĐTN-TCXDĐ ngày 18/11/2021 của ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông về tổ chức Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ IV Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông và Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

6. Kế hoạch số 259-KH/TĐTN-TCXDĐ ngày 10/12/2021 của ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông về Đại hội điểm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp.

7. Kế hoạch số 261-KH/TĐTN-BTG ngày 14/12/2021 của ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông về tuyên truyền Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông lần thứ IV và Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

 

8. Kế hoạch số 266-KH/TĐTN-BTG ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông về cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đạihội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Video

http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la

Liên kết website

Thống kê

Đang có 21 khách và không thành viên đang online

porno peliculasXXX porno phim-sex