Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 11/2020
Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 11/2020

Ngày Đăng: 03/11/2020, Lượt Xem: 1445

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11 NĂM 2020

----------

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp trồng người

Sự nghiệp trồng người - giáo dục đào tạo được xác định rõ là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là nhà giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Việt Nam là một quốc gia, dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Là người Việt Nam, có lẽ không ai không nhớ câu châm ngôn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Các thế hệ học sinh và nhà giáo chúng ta đều thấm nhuần truyền thống đó. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn-hóa”(1). Thầy giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước lĩnh hội kiến thức, cho nên thời nào cũng vậy, vai trò của thầy giáo là đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp trồng người.

Từ thuở xa xưa, cha ông ta đã coi việc học như quốc kế sinh tồn, hưng thịnh của đất nước. Người thầy giáo, cô giáo từ xưa đến nay đã là một biểu tượng của tri thức, trí tuệ, tài năng và là nhân tố quyết định sự phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. Truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” từ mạch nguồn như một lẽ tất yếu đã là nét đẹp văn hoá ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng thành tích học tập, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò dành cho người thầy và còn được đúc kết thành tục ngữ, thành ngữ lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc: “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… để tỏ sự trân trọng, lòng thành kính của xã hội dành cho nhà giáo. Vì vậy, Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày 20/11 không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Đảng và Nhà nước ta cũng thường xuyên hết lòng chăm lo đến ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đảng và Nhà nước ta đặt giáo dục và người thầy ở vị trí cao nhất: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Và xem đầu tư cho giáo dục trở thành đầu tư cơ bản quan trọng nhất cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Trong bài phát nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10-1964), Người căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”(2). Vị thế của người thầy vô cùng quan trọng và thiêng liêng, cho nên Người nhắc nhở mọi người cần có quan niệm đúng về nghề dạy học, về vị thế của người thầy trong xã hội: “Ai có ý kiến không đúng về người thầy giáo thì phải sửa chữa”(3). Lời Bác dạy đã cho chúng ta hiểu thêm về vai trò của người thầy giáo đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của nhà giáo là một yếu tố đặc biệt quan trọng để mỗi giảng viên không ngừng vươn lên tự hoàn thiện bản thân mình, xứng đáng với trọng trách cao cả của người thầy. Để xứng đáng với vai trò người kỹ sư “trồng người”, người thầy phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phẩm chất nghề nghiệp, trình độ năng lực, tri thức và kĩ năng sư phạm. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21-2-1956, Người căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”(4). Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có vai trò của đội ngũ nhà giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Trong nhiều kỳ đại hội, Đảng ta luôn xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là một nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định:“Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”(5).

Ngày nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo với quy mô, chất lượng ngày càng tăng, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của cả gia đình và nhà trường. Trong đó khâu đột phá mang tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo đó là đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ giáo viên luôn luôn gắn liền với việc nâng cao chất lượng của từng thầy, cô giáo và cũng chỉ có từng giáo viên tự phấn đấu vươn lên hoàn thiện mình, vượt qua chính mình thì mới có những tập thể sư phạm giỏi, đáp ứng yêu cầu nền giáo dục, đào tạo mới hiện nay.

Điều đó đặt ra cho mỗi nhà giáo, phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng; tác phong chính quy mẫu mực của người thầy giáo; xây dựng động cơ đúng, trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học tập, nghiên cứu để mở rộng hiểu biết của mình về cả kiến thức chuyên ngành, liên ngành, khoa học xã hội cũng như văn học, lịch sử, văn hoá đặc biệt là những tri thức mới về khoa học sư phạm hiện đại, kỹ năng giảng dạy theo phương pháp tích cực, có phương pháp sư phạm tốt bao giờ cũng có kết quả giảng dạy cao. Và khẳng định được vị thế của người thầy trong sự nghiệp trồng người.

Trong điều kiện mới, mỗi thầy, cô giáo cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dạy giỏi, học thực chất, đánh giá thực chất, kỷ luật nghiêm, chính quy, mẫu mực, an toàn tuyệt đối”. Mỗi giáo viên cần chú trọng đổi mới phương pháp, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Biết kết hợp chặt chẽ giữa dạy-học với rèn luyện, dạy chữ, dạy nghề với dạy làm người. Tích cực giúp đỡ, dạy bảo học sinh với tinh thần và trách nhiệm thật cao, đảm bảo cho người học khi ra trường có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ quản lý, chỉ huy khá và giỏi.

Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục - đào tạo phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước những đòi hỏi mới, hơn bao giời hết, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam cần thấm nhuần sâu sắc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người thầy giáo trong sự nghiệp trồng người./.

------------------------------ 

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.345.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.402.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.403.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.273-274.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr.117.

 

Nguồn: sưu tầm

 


THEO DÒNG LỊCH SỬ

 

SỔ TAY NGHIỆP VỤ

 

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn tháng 11 năm 2020, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh hướng dẫn về công tác đoàn viên tiếp theo của tháng 10 năm 2020:

2.5. Đối với đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú

- Đoàn viên có quyền tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú và báo cáo kết quả với Chi đoàn nơi đang học tập, lao động, công tác.

- Chi đoàn, đoàn cơ sở xã, thị trấn tổ chức các hoạt động để đoàn viên tham gia hoạt động đoàn tại nơi cư trú: hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội; chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng; Ngoài ra, đoàn viên có thể tham gia các hoạt động khác tại nơi cư trú.

- Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức hoạt động cho đoàn viên tham gia tại nơi cư trú.

- Khi tham gia hoạt động đoàn tại nơi cư trú, đoàn viên được tham dự và đóng góp ý kiến tại đại hội, hội nghị của Chi đoàn. Trường hợp cần thiết về công tác cán bộ, nếu có tín nhiệm để bầu vào cơ quan lãnh đạo thì phải chuyển hồ sơ đoàn viên về nơi cư trú trước khi được bầu.Đoàn viên hoạt động đoàn tại nơi cư trú ứng cử (hoặc được giới thiệu ứng cử) vào chức danh Bí thư, Phó Bí thư đoàn xã, phường, thị trấn phải được sự đồng ý của cấp ủy đảng xã, phường, thị trấn, đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp đoàn viên là đảng viên phải được sự đồng ý của chi bộ nơi học tập, lao động, công tác.

2.6. Về quản lý đoàn viên đi lao động ở xa, thời gian không ổn định

- Đoàn viên lao động ở xa, thời gian không ổn định là những đoàn viên rời khỏi địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa phương khác để lao động với việc làm và thời gian không ổn định, không có điều kiện sinh hoạt Đoàn thường xuyên nơi cư trú.

- Trách nhiệm của đoàn viên:

+ Trước mỗi đợt đi lao động ở xa phải báo cáo với Ban Chấp hành Chi đoàn về địa chỉ nơi đến để Chi đoàn, đoàn cơ sở hướng dẫn thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời và giúp đỡ.

+ Khi đến nơi lao động, đoàn viên liên hệ với Chi đoàn, đoàn cơ sở nơi đến để đăng ký tham gia sinh hoạt đoàn; được dùng Thẻ đoàn viên hoặc giấy chuyển sinh hoạt đoàn để sinh hoạt tạm thời.

- Trách nhiệm của cơ sở đoàn nơi đoàn viên đi: Chi đoàn lập sổ theo dõi danh sách đoàn viên kèm theo địa chỉ nơi đến của số đoàn viên đi lao động ở xa, thời gian không ổn định và báo cáo cho Đoàn cơ sở để theo dõi. Đoàn cơ sở chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời cho đoàn viên bằng giấy chuyển sinh hoạt hoặc hướng dẫn đoàn viên dùng Thẻ đoàn viên để đăng ký sinh hoạt tạm thời.

- Trách nhiệm của cơ sở đoàn nơi đoàn viên đến:

+ Đoàn cơ sở tiếp nhận thủ tục sinh hoạt tạm thời và giới thiệu đoàn viên về các Chi đoàn.

+ Những địa bàn tập trung đông đoàn viên là lao động tự do và đã có đăng ký tạm trú thì đoàn cơ sở ở nơi đó có thể thành lập các Chi đoàn trực thuộc để tổ chức các hoạt động.

2.7. Trưởng thành đoàn

2.7.1. Mục đích

Công nhận trưởng thành đoàn là việc tổ chức Đoàn trân trọng ghi nhận những đóng góp của đoàn viên cho Đoàn, công nhận quá trình rèn luyện và trưởng thành của đoàn viên.

2.7.2. Yêu cầu

- Đoàn viên quá 30 tuổi, Chi đoàn làm lễ trưởng thành đoàn; nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt đoàn, Chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi. Lễ trưởng thành cho đoàn viên nên được tiến hành vào các dịp kỷ niệm ngày: 26/3, 19/5, 2/9, và ngày 22/12,... hàng năm. Hoặc trong những hoạt động, sinh hoạt truyền thống của Đoàn, của đơn vị.

- Lễ trưởng thành đoàn có thể được tổ chức ở đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở hoặc Chi đoàn.

2.7.3. Quy trình, thủ tục tiến hành trưởng thành đoàn cho đoàn viên

- Hàng năm, Ban Chấp hành Chi đoàn lập danh sách những đoàn viên quá 30 tuổi (đối với những đoàn viên không giữ nhiệm vụ trong cơ quan lãnh đạo hoặc không công tác trong cơ quan chuyên trách của Đoàn) và thông báo cho đoàn viên đó biết.

- Khi có đoàn viên quá 30 tuổi, Ban Chấp hành Chi đoàn tổ chức gặp mặt để biết nguyện vọng của đoàn viên. Nếu đoàn viên có nguyện vọng tiếp tục được tham gia sinh hoạt đoàn thì xem xét để đoàn viên tiếp tục được tham gia sinh hoạt đoàn nhưng không quá 35 tuổi. Nếu đoàn viên có nguyện vọng được trưởng thành đoàn thì Chi đoàn lập danh sách báo cáo với Ban Chấp hành đoàn cơ sở đề nghị xét và ra quyết định trưởng thành đoàn cho đoàn viên.

- Lễ trưởng thành phải được chuẩn bị thật chu đáo, trang trọng và tạo được không khí thân mật. Nếu đoàn viên trưởng thành là đoàn viên ưu tú trong buổi lễ trưởng thành đoàn cần tiến hành luôn việc giới thiệu đoàn viên ưu tú đó cho Đảng xem xét bồi dưỡng kết nạp.

2.7.4. Chương trình lễ trưởng thành đoàn

- Văn nghệ.

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

- Giới thiệu tóm tắt quá trình sinh hoạt đoàn và những thành tích đóng góp của đoàn viên trưởng thành.

- Trao "Giấy chứng nhận trưởng thành đoàn" và tặng phẩm kỷ niệm (nếu có) cho đoàn viên trưởng thành (mẫu Giấy chứng nhận trưởng thành đoàn do cấp bộ đoàn quyết định trưởng thành đoàn cho đoàn viên ban hành).

- Đoàn viên (hoặc đại diện đoàn viên) trưởng thành phát biểu cảm tưởng.

- Đại diện đoàn viên đang sinh hoạt đoàn phát biểu.

- Đại diện cấp ủy và các đại biểu khác phát biểu.

- Kết thúc.

2.8. Đoàn viên danh dự

- Đối tượng: Đoàn viên danh dự là những người thực sự tiêu biểu, là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi noi theo, có tâm huyết và có nhiều đóng góp với Đoàn, có uy tín trong thanh thiếu nhi và xã hội. Đoàn viên danh dự là những người đã trưởng thành đoàn và đồng ý làm đoàn viên danh dự.

- Quy trình, thủ tục và thẩm quyền xét kết nạp

+ Trong quá trình công tác, hoạt động, tổ chức cơ sở đoàn nhận thấy có những người đủ tiêu chuẩn và sẵn sàng làm đoàn viên danh dự thì báo cáo Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện và tương đương xem xét quyết định.  

+ Đoàn cơ sở tổ chức lễ kết nạp đoàn viên danh dự trang trọng, có tính tôn vinh người được kết nạp và giáo dục đối với đoàn viên, thanh thiếu nhi.

- Quyền và nghĩa vụ của đoàn viên danh dự

+ Được cấp Thẻ đoàn viên danh dự, được tham dự một số sinh hoạt và hoạt động của Đoàn.

+ Được tham gia thảo luận, hoạt động và  đề xuất ý kiến về các công việc của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

+ Tích cực tham gia vào công tác giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi, tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng của Đoàn trong thanh thiếu nhi và xã hội.

- Các trường hợp thôi là đoàn viên danh dự

+ Đoàn viên danh dự có đề nghị xin thôi là đoàn viên danh dự thì Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện nơi kết nạp hoặc nơi đoàn viên danh dự sinh sống, học tập, công tác ra thông báo cho thôi là đoàn viên danh dự.

+ Đoàn viên danh dự vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức có ảnh hưởng đến uy tín của Đoàn thì Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện nơi kết nạp hoặc nơi người đó sinh sống, học tập, công tác quyết định xóa tên đoàn viên danh dự.

2.9. Xóa tên trong danh sách đoàn viên

- Trường hợp đoàn viên không tham gia sinh hoạt đoàn hoặc không đóng đoàn phí ba tháng trong một năm mà không có lý do chính đáng thì Chi đoàn xem xét quyết định xóa tên đoàn viên và báo cáo lên Đoàn cấp trên trực tiếp (việc xóa tên đoàn viên không được coi là hình thức kỷ luật của Đoàn).

- Trường hợp đoàn viên thường xuyên đi học tập, lao động, công tác ở xa không quá 1 năm, trong thời gian đó đoàn viên có báo cáo với Ban Chấp hành Chi đoàn và sau mỗi đợt đi về vẫn tham gia sinh hoạt, đóng đoàn phí đầy đủ và có những đóng góp cho hoạt động của Chi đoàn thì không coi là bỏ sinh hoạt và không xóa tên trong danh sách đoàn viên.

(còn tiếp)

 

NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10/2020

 

Phạt đến 100 triệu đồng nếu làm hư hại cột cờ, bia chủ quyền biên giới; không chặn được tin nhắn rác có thể bị phạt tới 170 triệu đồng; giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp; bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2020.

Phạt đến 100 triệu đồng nếu làm hư hại cột cờ, bia chủ quyền biên giới

Tại Nghị định 96/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 10/10 quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau:

- Làm hư hại mốc giới, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo.

- Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia.

- Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 m tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hoặc 100 m tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam - Campuchia.

- Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.

Tuy nhiên, đây là mức phạt đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, tương ứng 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, nghị định quy định mức phạt với hành vi vẽ, viết thêm, tẩy xóa chữ trên các biển báo khu vực biên giới sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Không chặn được tin nhắn rác có thể bị phạt tới 170 triệu đồng

Theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác vừa được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp cho người dùng các công cụ, ứng dụng để phản ảnh và cho phép khách hàng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đồng thời, các nhà mạng cũng có trách nhiệm ngăn chặn, thu hồi địa chỉ được dùng để phát tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác...

Nghị định 91 cũng bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác.

Mức phạt đến 100 triệu đồng được áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Đồng thời, thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, Internet, mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên…

Cũng trong nghị định này nêu rõ, người dùng có thể chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác bằng 3 cách: chuyển thông tin về tin nhắn, cuộc gọi rác đến đầu số 5656; từ chối nhận tin nhắn quảng cáo; đăng ký số điện thoại vào danh sách không quảng cáo.

Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10.

Bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/10 quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu. Mức phạt thấp nhất là 500.000 - 1 triệu đồng áp dụng với giá trị hàng hóa dưới 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng, phạt từ 40 - 50 triệu đồng.

Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu, là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn,… phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng).

Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).

Tăng mức phạt khi bán xăng dầu qua thùng, can, chai

Hành vi bán xăng dầu qua thùng, can, chai sẽ bị tăng mức phạt theo quy định tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 11/10.

Theo đó, hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (trước đây phạt từ 2 - 4 triệu đồng) trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.

Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp

Nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều lệ trường tiểu học, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật sau:

- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn.

- Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Cũng theo Thông tư 28, giáo viên, nhân viên cần chú ý:

+ Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức.

+ Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh.

+ Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất.

+ Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén nội dung giáo dục.

+ Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 20/10/2020.

Phạt đến 5 triệu đồng, nếu bán thuốc lá trước trường mẫu giáo

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ 25/10, cơ quan chức năng sẽ xử lý phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc lá phía ngoài cổng các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.

Các hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn