13:34 Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024
Gửi cho bạn bè

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 10/2020
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 10/2020

Ngày Đăng: 02/10/2020, Lượt Xem: 2406

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 10 NĂM 2020

----------

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ với phụ nữ

“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”...

Sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... ''Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng"... "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại".

Cùng với hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ. Dẫn lời C.Mác: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào? và V.I.Lênin “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”, Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”1Và, “những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”2.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 - 9 - 1945, Bác trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”3. Những quyền ấy được Bác trích trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Song trong xã hội Mỹ chỉ những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử. Còn các giai tầng khác mãi đến đầu thế kỷ 19 và phụ nữ Mỹ (sau 144 năm giành độc lập) - năm 1920 mới giành được quyền đi bầu cử. Đối với người Mỹ da đen thì tới phong trào đòi quyền dân chủ diễn những năm 1960 mới giành được quyền bầu cử đầy đủ và đến 1971 các công dân trẻ tuổi mới được trao quyền bầu cử khi Hoa Kỳ hạ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 tuổi... Song, với Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ thì “tất cả mọi người” Việt Nam đều là những người có quyền đi bầu cử Quốc hội vào ngày 6-1-1946:“Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Và Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946“… tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”4.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng và Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho chị em vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc. Bác nêu ra nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh của phụ nữ vì Tổ quốc như Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ buổi bình minh của lịch sử và kêu gọi chị em: Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại! Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc. Nào giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất. Nào chống nạn mù chữ, tham gia tuyển cử, Tuần lễ vàng, Đời sống mới…, việc gì phụ nữ cũng hăng hái.

Trong các cuộc kháng chiến thần thành chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều chị em đã tham gia kháng chiến và làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam có dịp ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã được Bác Hồ ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người. Bác Hồ luôn luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Đây chính là sự khẳng định của Bác về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trong thư gửi Phụ nữ nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ ngày 8 - 3 -1 952, Bác khẳng định: Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng… Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu… Những phụ nữ chân yếu tay mềm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã góp phần không nhỏ đem đến thắng lợi “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Bác không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Người chỉ rõ: công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v. đều nhằm mục đích ấy”. Người nhắc nhở các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới.

Những lời dạy của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình giành cho “nửa thế giới”. Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Bác đã chỉ ra “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man”5. Bác luôn trân trọng, thương yêu và coi “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi6Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Trong xây dựng CNXH, phụ nữ phải được giải phóng khỏi những tàn dư của hủ tục, định kiến hẹp hòi của tư tưởng phong kiến; vươn lên đóng góp sức mình xây dựng CNXH.

Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 - Quê hương của chị Hai Năm tấn, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”7.

Bác không chỉ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn là luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách. Người kêu gọi: Chị em phụ nữ nông thôn thi đua góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi đua làm tròn nhiệm vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào việc phát triển văn hoá. Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, thi đua học và hành, xung phong trong mọi công việc. Đồng thời, Bác cũng chỉ rõ một thực trạng: cấp trên có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên.

Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người phân tích: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH. Người phê bình: Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền. Người căn dặn: tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật. Người luôn khuyến khích chị em tự mình cố gắng vươn lên khẳng định mình. Điều đó thể hiện sự quan tâm, thương yêu và đầy tinh thần trách nhiệm của một vị lãnh tụ luôn theo sát, cổ vũ các phong trào của phụ nữ.

Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Bác đã giành trọn vẹn cho dân cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”8.

Khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác “một nửa thế giới” cần được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt, mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia đã ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lục phụ nữ, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng  khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

------------------------------ 

(1, 2, 4). Hồ Chí Minh toàn tập, t.2, Nxb CTQG, H.2000, tr.112, tr.443, tr.288, tr.974. (3). Sđd, t.4, tr.9. (5, 6). Sđd, t.5, tr.343-344, tr.408. (7). Sđd, t.12, tr.197. (8). Di Chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2010, tr.30

Nguồn: sưu tầm


THEO DÒNG LỊCH SỬ

 

SỔ TAY NGHIỆP VỤ

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 10 năm 2020, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh hướng dẫn về công tác đoàn viên:

I. CÔNG TÁC ĐOÀN VIÊN

1. Công tác phát triển đoàn viên

1.1. Điều kiện độ tuổi, trình độ học vấn của người được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

- Tại thời điểm xét kết nạp, người được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuổi từ 16 (từ đủ 15 tuổi + 1 ngày) và không quá 30 tuổi.

- Người được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tối thiểu có trình độ tiểu học. Đối với thanh niên đang sinh sống ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vận dụng linh hoạt.

* Xét kết nạp đoàn viên trong một số trường hợp:

+ Trường hợp thanh niên có nguyện vọng vào Đoàn, hăng hái tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức, có tín nhiệm với thanh niên, nhưng có bố mẹ, anh, chị, em ruột đang bị giam giữ, trước khi xét kết nạp phải xin ý kiến của cấp ủy đảng cùng cấp.

+ Trường hợp thanh niên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức Đoàn, hăng hái tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức ở nơi cư trú, có tín nhiệm với thanh niên và có nguyện vọng vào Đoàn thì Chi đoàn nơi cư trú xét, đề nghị, Ban Chấp hành Đoàn xã, thị trấn ra quyết định chuẩn y kết nạp.

1.2. Quy trình công tác phát triển đoàn viên

- Bước 1: Chi đoàn, Đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền giới thiệu về tổ chức Đoàn cho thanh niên, thông qua các loại hình tổ chức và các phương thức hoạt động của Đoàn, Hội, Đội.

Bước 2: Chi đoàn, Đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch kết nạp đoàn viên.

+ Lập danh sách thanh niên tiên tiến và đội viên trưởng thành.

+ Lựa chọn đối tượng theo các tiêu chuẩn kết nạp đoàn viên.

+ Phân công đoàn viên giúp đỡ, dự kiến thời gian bồi dưỡng, thời gian tổ chức kết nạp.

Bước 3: Chi đoàn, Đoàn cơ sở bồi dưỡng giáo dục, rèn luyện thanh, thiếu niên vào Đoàn.

+ Mở lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đoàn, lựa chọn những thanh niên có đủ tiêu chuẩn xét kết nạp (nơi có điều kiện có thể cấp giấy chứng nhận đã học qua lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đoàn cho thanh, thiếu niên).

+ Ở những nơi không có điều kiện mở lớp tập trung thì có hình thức phù hợp để thanh niên học tập, nghiên cứu sau đó kiểm tra.

Bước 4: Tiến hành các thủ tục và tổ chức kết nạp đoàn viên mới.

+ Chi đoàn hướng dẫn thanh niên tự khai lý lịch và viết đơn.

+ Hội nghị Chi đoàn xét, báo cáo lên Ban Chấp hành đoàn cấp trên.

+ Ban Chấp hành Đoàn cấp trên ra quyết định chuẩn y kết nạp.

+ Chi đoàn tổ chức kết nạp đoàn viên mới, trao Huy hiệu Đoàn, Thẻ đoàn viên.

+ Hoàn chỉnh hồ sơ để quản lý đoàn viên, tiếp tục bồi dưỡng tạo điều kiện để đoàn viên mới rèn luyện.

Đối với những nơi không có Chi đoàn, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở hoặc Chi đoàn cơ sở thực hiện quy trình công tác phát triển đoàn viên và quyết định kết nạp đoàn viên. Nếu là Chi đoàn cơ sở thì trực tiếp thực hiện quy trình công tác phát triển đoàn viên và quyết định kết nạp đoàn viên.

1.3. Thủ tục kết nạp đoàn viên

- Thanh niên vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch của mình với Chi đoàn, Chi đoàn cơ sở.

- Được học Điều lệ Đoàn và trang bị những kiến thức cơ bản về Đoàn trước khi kết nạp.

- Được một đoàn viên hoặc một đảng viên (với những nơi chưa có tổ chức Đoàn) giới thiệu. Đoàn viên hoặc đảng viên giới thiệu phải là người cùng công tác, lao động hoặc học tập với người được giới thiệu ít nhất 3 tháng liên tục.

+ Đối với đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh do tập thể Chi đội giới thiệu.

+ Đối với hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam do tập thể Chi hội giới thiệu.

- Hội nghị Chi đoàn, Chi đoàn cơ sở tiến hành xét kết nạp từng người một với sự biểu quyết tán thành của trên một phần hai số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định chuẩn y (đối với Chi đoàn); đối với Chi đoàn cơ sở thì ra nghị quyết kết nạp. Trường hợp đặc biệt ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các đơn vị công tác phân tán không có điều kiện họp được toàn thể Chi đoàn, nếu được đoàn cấp trên đồng ý thì việc xét kết nạp đoàn viên có thể do Ban Chấp hành Chi đoàn xét và Đoàn cấp trên trực tiếp chuẩn y.

- Trường hợp thanh niên đang học bậc trung học phổ thông nơi chưa có tổ chức Chi đoàn thì việc kết nạp đoàn viên do Ban Chấp hành Đoàn trường thực hiện.

1.4. Lễ kết nạp đoàn viên

Sau khi đoàn cấp trên có quyết định chuẩn y kết nạp đoàn viên mới, trong vòng một tháng kể từ ngày ký quyết định, Chi đoàn có trách nhiệm tổ chức lễ kết nạp cho đoàn viên. Để tiến hành buổi lễ kết nạp đoàn viên, Ban Chấp hành Chi đoàn cần thực hiện các thủ tục:

- Thông báo đến đoàn viên Chi đoàn và phân công chuẩn bị lễ kết nạp.

- Mời dự lễ kết nạp: đoàn viên, thanh niên được kết nạp (có thể mời thêm gia đình, bạn thân của người được kết nạp cùng dự), cấp ủy chi bộ, lãnh đạo khu phố, tổ dân phố, đoàn cấp trên.

* Chương trình lễ kết nạp đoàn viên mới:

- Văn nghệ. (nếu có)

- Chào cờ, hát Quốc ca, Đoàn ca.

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

- Bí thư (Phó Bí thư) Chi đoàn báo cáo việc xét kết nạp đoàn viên mới. Nêu ngắn gọn về quá trình rèn luyện phấn đấu, những ưu điểm và hạn chế cơ bản của người được kết nạp. Đọc nghị quyết chuẩn y kết nạp, quyết định trao Thẻ đoàn viên của Đoàn cấp trên (người được kết nạp đứng lên).

- Đại diện Đoàn cấp trên hoặc cấp ủy Đảng trao quyết định, Thẻ đoàn viên và Huy hiệu cho đoàn viên mới (trường hợp không có cấp ủy đảng và đoàn cấp trên cùng dự thì Bí thư hoặc Phó Bí thư Chi đoàn thực hiện).

- Đoàn viên mới đọc lời hứa: Được vinh dự trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trước cờ Tổ quốc, cờ Đoàn, trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trước toàn thể các đồng chí, tôi xin hứa:

+ Luôn phấn đấu vì lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Tích cực học tập, lao động rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+ Gương mẫu chấp hành và vận động thanh thiếu nhi thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.

+ Chấp hành Điều lệ Đoàn và các nghị quyết của Đoàn;tích cực tuyên truyền về tổ chức Đoàn trong thanh niên, sinh hoạt Đoàn và đóng đoàn phí đúng quy định.

+ Liên hệ mật thiết với thanh niên, tích cực xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; giúp đỡ thanh niên và đội viên trở thành đoàn viên. Xin hứa!

- Người giới thiệu thanh niên vào Đoàn phát biểu hứa tiếp tục giúp đỡ đoàn viên mới.

- Đại diện đoàn cấp trên hoặc cấp ủy phát biểu.

- Chào cờ bế mạc.

Lưu ý: Lễ kết nạp đoàn viên phải được tổ chức một cách có ý nghĩa, tạo được dấu ấn tình cảm tốt trong đoàn viên; khuyến khích tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tập thể. Khi tổ chức kết nạp nhiều người thì Bí thư Chi đoàn đọc nhận xét từng người và giới thiệu những thanh niên đó rồi đọc nghị quyết kết nạp. Sau đó các đoàn viên đứng lên, đồng chí Bí thư (Phó Bí thư) trao quyết định, Thẻ đoàn viên và gắn huy hiệu cho từng người. Một người thay mặt đọc lời hứa, sau khi đọc xong, tất cả những người được kết nạp cùng hô: Xin hứa!

2. Công tác quản lý đoàn viên

2.1. Hồ sơ và quản lý đoàn viên

-  Mỗi đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh đều có Sổ đoàn viên, Huy hiệu Đoàn và Thẻ đoàn viên.

-  Hồ sơ đoàn viên: Hồ sơ đoàn viên là Sổ đoàn viên theo mẫu do Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành. Sổ đoàn viên do Đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở quản lý. Đối với các trường tương đương cấp huyện trong khối trường học, hồ sơ đoàn viên do Đoàn trường quản lý.

- Quản lý đoàn viên:

+ Ban Chấp hành Chi đoàn phải có Sổ Chi đoàn theo mẫu do Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành.

+ Ban Chấp hành Đoàn cơ sở có sổ danh sách đoàn viên, theo dõi kết nạp đoàn viên và trao Thẻ đoàn viên; sổ giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt đoàn.

+ Hằng năm, Ban Chấp hành Chi đoàn có trách nhiệm ghi nhận xét ưu, khuyết điểm, khen thưởng, kỷ luật và kết quả phân loại đoàn viên vào sổ của từng đoàn viên.

+ Chi đoàn, Đoàn cơ sở hằng quý; Đoàn cấp huyện và tương đương 06 tháng, 01 năm có trách nhiệm báo cáo đầy đủ tình hình công tác đoàn viên của đơn vị mình đối với Đoàn cấp trên trực tiếp.

+ Đoàn viên phải có Sổ đoàn viên để lưu kết quả đánh giá, nhận xét, phân loại đoàn viên hằng năm. Khuyến khích các cơ sở Đoàn ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nghiệp vụ trong công tác quản lý đoàn viên.

2.2. Thẻ đoàn viên

+ Thẻ đoàn viên: Thẻ đoàn viên có giá trị chứng nhận tư cách đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất phát hành.

+ Đoàn viên được cấp Thẻ đoàn viên trong lễ kết nạp hoặc chậm nhất không quá 01 tháng kể từ ngày được kết nạp vào Đoàn. Việc cấp Thẻ đoàn viên do Ban Thường vụ đoàn cấp huyện quyết định.

+ Thẻ đoàn viên được dùng để đăng ký tham gia sinh hoạt đoàn tạm thời và xuất trình khi cần.

+ Đoàn viên không được cho người khác mượn Thẻ đoàn viên; khi trưởng thành đoàn, đoàn viên được giữ lại Thẻ đoàn viên.

+ Đoàn viên bị kỷ luật khai trừ thì bị thu hồi Thẻ đoàn viên; đoàn viên sử dụng Thẻ đoàn viên sai mục đích thì tùy vào mức độ bị xem xét xử lý kỷ luật. Ban Chấp hành Chi đoàn, Ban thường vụ Đoàn cơ sở có trách nhiệm thu hồi Thẻ đoàn viên và nộp cho Đoàn cấp huyện quản lý.

+ Trung ương Đoàn quản lý số lượng và số hiệu Thẻ đoàn viên trên toàn quốc. Các cấp bộ Đoàn quản lý số lượng và số hiệu Thẻ đoàn viên của địa phương, đơn vị.

2.3. Việc khôi phục Hồ sơ đoàn viên khi thất lạc

* Trường hợp thất lạc Thẻ đoàn viên nhưng còn Sổ đoàn viên

Trường hợp thất lạc Thẻ đoàn viên nhưng còn Sổ đoàn viên thì đoàn viên làm đơn gửi Ban Chấp hành Chi đoàn để đề nghị Đoàn cơ sở tiến hành thủ tục cấp lại Thẻ đoàn viên. Trên cơ sở đề nghị của Chi đoàn, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở xem xét đề nghị Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện cấp lại Thẻ cho đoàn viên.

* Trường hợp thất lạc Sổ đoàn viên nhưng còn Thẻ đoàn viên

- Trong trường hợp này, đoàn viên chỉ được cấp lại Sổ đoàn viên mới khi vẫn tham gia sinh hoạt liên tục trong quá trình thất lạc Sổ đoàn viên và được Ban Chấp hành Chi đoàn chứng nhận đến thời điểm đề nghị được cấp lại Sổ.

- Quy trình, thủ tục đề nghị cấp lại Sổ đoàn viên: Đoàn viên làm đơn đề nghị được cấp lại Sổ đoàn viên gửi Ban Chấp hành Chi đoàn để đề nghị Ban Chấp hành đoàn cơ sở xem xét cấp lại Sổ đoàn viên. Trong trường hợp đoàn viên chuyển đến đơn vị lao động, học tập, công tác nhưng bị thất lạc Sổ đoàn viên mà hiện tại vẫn đang sinh hoạt đoàn đầy đủ thì khi đề nghị được cấp lại Sổ đoàn viên mới phải có xác nhận tư cách đoàn viên của Đoàn cơ sở nơi sinh hoạt trước khi mất Sổ đoàn viên (trong thời gian không quá 03 tháng tính đến ngày đề nghị được cấp lại Sổ đoàn viên). Sổ đoàn viên cấp lại được Đoàn cơ sở đóng dấu xác nhận. Sổ cấp lạivào thời điểm cấp lại sổ. Nếu là Chi đoàn cơ sở thì trực tiếp thực hiện quy trình, thủ tục đối với đoàn viên bị thất lạc Sổ đoàn viên.

* Trường hợp thất lạc cả Sổ đoàn viên và Thẻ đoàn viên (gọi chung là hồ sơ đoàn viên) nhưng còn quyết định (nghị quyết) chuẩn y kết nạp đoàn viên thì đoàn viên làm đơn gửi Ban Chấp hành Chi đoàn để đề nghị cấp lại Sổ đoàn viên và để Đoàn cơ sở tổng hợp, trình ban thường vụ Đoàn cấp huyện cấp lại Thẻ đoàn viên theo quy định.

* Trường hợp khác

 Đối với các trường hợp bị thất lạc hồ sơ đoàn viên nếu không đảm bảo điều kiện để khôi phục lại thì bồi dưỡng, xét kết nạp đoàn viên như điều 1, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

2.4. Chuyển sinh hoạt Đoàn

* Nguyên tắc:

- Đoàn viên khi thay đổi nơi cư trú, đơn vị công tác, học tập phải chuyển sinh hoạt đoàn.

- Chi đoàn, Đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở có trách nhiệm chuyển sinh hoạt Đoàn cho đoàn viên.

* Quy trình chuyển sinh hoạt đoàn:

- Đoàn viên khi chuyển sinh hoạt đoàn thì đề nghị Ban Chấp hành Chi đoàn (hoặc Chi đoàn cơ sở) nơi đang sinh hoạt để được chuyển sinh hoạt.

- Trách nhiệm của Ban Chấp hành Chi đoàn:

+ Nhận xét đoàn viên vào Sổ đoàn viên và thu đoàn phí đến thời điểm chuyển sinh hoạt đoàn (trường hợp đoàn viên sinh hoạt tại Chi đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành Chi đoàn cơ sở nhận xét, thu đoàn phí và trực tiếp tiến hành thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn cho đoàn viên).

+ Giới thiệu đoàn viên đến Đoàn cơ sở để làm tiếp thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn.

+ Tiếp nhận đoàn viên do Đoàn cơ sở hoặc Chi đoàn cơ sở giới thiệu đến sinh hoạt.

- Trách nhiệm của Đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở:

+ Trường hợp đoàn viên chuyển sinh hoạt trong cùng một Đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành Đoàn cơ sở giới thiệu đoàn viên về sinh hoạt tại Chi đoàn mới.

+ Trường hợp đoàn viên chuyển sinh hoạt sang Đoàn cơ sở khác thì Ban Chấp hành Đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở giới thiệu đến Ban Chấp hành Đoàn cơ sở mới.

+ Khi tiếp nhận đoàn viên từ nơi khác giới thiệu đến, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở giới thiệu đoàn viên về sinh hoạt tại Chi đoàn trực thuộc.

* Một số trường hợp khác:

- Đoàn viên là bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành, là học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp các trường đang trong thời gian chờ để chuyển lĩnh vực công tác, học tập, lao động mới nếu thời gian chờ từ 03 tháng trở lên thì phải chuyển sinh hoạt về cơ sở đoàn nơi đoàn viên cư trú.

- Chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời:

+ Đoàn viên đi học tập, lao động, công tác, đoàn viên là học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, đi thực tập, thực tế với thời gian không quá 03 tháng thì chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời đến cơ sở đoàn nơi học tập, lao động, công tác hoặc nơi cư trú mới. Đoàn cơ sở (Chi đoàn cơ sở) có trách nhiệm làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận đoàn viên chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời.

+ Việc chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời có thể thực hiện bằng thẻ đoàn viên hoặc giấy chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời theo mẫu do Ban Bí thư Trung ương Đoàn quy định.

+ Trong thời gian sinh hoạt tạm thời, đoàn viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại điều 2, điều 3 của Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trừ quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đoàn nơi đang sinh hoạt tạm thời.

- Đoàn viên chuyển đến những nơi chưa có tổ chức Đoàn vẫn phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn như đã quy định. Khi đến nơi mới, xuất trình hồ sơ và báo cáo với tổ chức Đảng, khi chuyển công tác đi nơi khác đề nghị tổ chức Đảng nhận xét ưu, khuyết điểm và giới thiệu về Ban Chấp hành đoàn cơ sở nơi tiếp nhận đoàn viên. Trường hợp nơi đoàn viên lao động, học tập, công tác không có tổ chức Đảng, Đoàn thì đoàn viên đó phải sinh hoạt ở nơi cư trú.

- Trường hợp do thất lạc hồ sơ đoàn viên thì thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn phải có bản tường trình và xác nhận của cơ sở đoàn nơi chuyển đi, được làm lại hồ sơ tại nơi chuyển đến. Trường hợp còn Thẻ đoàn viên hoặc những văn bản xác nhận là đoàn viên, đảm bảo các quy định của Điều lệ Đoàn thì làm lại sổ đoàn viên tại nơi chuyển đến (theo mục 2.3 của hướng dẫn này). Các trường hợp khác thì bồi dưỡng, xét kết nạp đoàn viên như Điều 1, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- Chuyển sinh hoạt đoàn ra nước ngoài, từ nước ngoài về nước:

+ Chuyển sinh hoạt Đoàn ra nước ngoài: Đoàn viên ra nước ngoài công tác, lao động, học tập thời gian từ trên 3 tháng đến 12 tháng thì chuyển sinh hoạt đoàn tạm thời. Trước khi ra nước ngoài, đoàn viên báo cáo Chi đoàn, Đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt. Sau khi kiểm tra quyết định của cấp có thẩm quyền cho đoàn viên ra nước ngoài công tác, lao động, học tập, Đoàn cơ sở nơi trực tiếp quản lý đoàn viên cấp “Giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đoàn ra ngoài nước” cho đoàn viên. Khi ra nước ngoài, đoàn viên mang theo giấy chuyển sinh hoạt đoàn để đăng ký tham gia sinh hoạt với tổ chức Đoàn nơi đến. Nếu nơi đến chưa có tổ chức Đoàn thì đăng ký danh sách với tổ chức Đảng để được theo dõi, giúp đỡ và xác nhận thời gian tham gia hoạt động tại nước ngoài (hồ sơ đoàn viên lưu tại Đoàn cơ sở trong nước).

Đoàn viên ra nước ngoài từ 1 năm trở lên thì làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn. Ban Chấp hành Chi đoàn nơi đoàn viên đang sinh hoạt ghi nhận xét vào sổ đoàn viên, thu đoàn phí đến thời điểm chuyển sinh hoạt đoàn và giới thiệu lên Đoàn cơ sở (trường hợp đoàn viên sinh hoạt tại Chi đoàn cơ sở thì Ban Chấp hành Chi đoàn cơ sở nhận xét, thu đoàn phí và trực tiếp tiến hành thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn cho đoàn viên). Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở (Chi đoàn cơ sở) viết “giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đoàn ra ngoài nước” và giới thiệu đoàn viên đến Đoàn cấp cơ sở nơi đoàn viên đến lao động, học tập, công tác (hồ sơ đoàn viên lưu tại Đoàn cơ sở trong nước).Đoàn cơ sở tiếp nhận và giới thiệu đoàn viên về tham gia sinh hoạt tại một Chi đoàn phù hợp. Trường hợp cấp ủy tiếp nhận đoàn viênthì phân công đảng viên trong chi bộ tại cơ sở phụ trách, quản lý đoàn viên trong thời gian ở nước ngoài, đồng thời báo cáo cấp ủy Đảng cấp trên về việc tiếp nhận đoàn viên.

Trường hợp nơi đoàn viên lao động, học tập, công tác chưa có tổ chức Đoàn và chưa có tổ chức Đảng thì đoàn viên được miễn chuyển sinh hoạt Đoàn. Đoàn viên phải đảm bảo có sự liên hệ với tổ chức đoàn nơi sinh hoạt ở Việt Nam.

+ Chuyển sinh hoạt Đoàn từ nước ngoài về Việt Nam: Trước khi đoàn viên trở về Việt Nam, tổ chức Đoàn hoặc cấp ủy (lãnh đạo đơn vị) xác nhận thời gian sinh hoạt tạm thời hoặc thời gian tham gia hoạt động Đoàn tại nước ngoài. Khi đoàn viên về Việt Nam, báo cáo Chi đoàn (gửi kèm theo bản nhận xét về quá trình tham gia sinh hoạt đoàn ở nước ngoài cho Chi đoàn). Ban Chấp hành Chi đoàn tiếp nhận bản nhận xét và báo cáo Đoàn cấp trên trực tiếp về việc tiếp nhận đoàn viên.

Đối với những nơi chưa có tổ chức Đoàn nhưng có tổ chức Đảng ở ngoài nước thì trước khi về nước đoàn viên đề nghị tổ chức Đảng xác nhận thời gian sinh hoạt hoặc tham gia hoạt động tại nước ngoài, khi về Việt Nam báo cáo đoàn cơ sở và gửi kèm theo bản nhận xét về quá trình tham gia sinh hoạt, hoạt động ở nước ngoài (nếu có) và đề nghị đoàn cơ sở chuyển sinh hoạt đoàn về Chi đoàn, nộp đoàn phí theo quy định trong thời gian hoạt động, công tác ở nước ngoài. Ban Chấp hành Đoàn cơ sở tổ chức tiếp nhận và chuyển đoàn viên về Chi đoàn phù hợp.

Trường hợp đoàn viên được miễn chuyển sinh hoạt đoàn: khi về nước có báo cáo quá trình hoạt động ở nước ngoài, nếu đảm bảo điều kiện theo quy định thì tổ chức cơ sở Đoàn thực hiện việc tiếp nhận sinh hoạt đoàn cho đoàn viên theo quy định.

                                                                                              (Còn tiếp)

 

MÔ HÌNH HAY - GƯƠNG ĐIỂN HÌNH

 

Thanh niên khởi nghiệp từ các mô hình chăn nuôi

Thu nhập ổn định từ nuôi thỏ

Chỉ với hơn 20 triệu đồng vốn đầu tư mô hình chăn nuôi thỏ, sau hơn 7 tháng, anh Nguyễn Xuân Linh (SN 1988), ở thôn 3, xã Đắk Sin (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) đã có nguồn thu nhập ổn định từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Giống thỏ New Zealand có thể nặng từ 3 - 4 kg

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Đà Lạt, thay vì xin việc ở nơi khác, anh Linh đã về nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. Đến tháng 8/2019, Linh đầu tư chuồng nuôi thỏ sau khoảng thời gian mày mò, tìm hiểu kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng và trị bệnh cho thỏ. 

Linh chia sẻ, mô hình nuôi thỏ đến với anh khá tình cờ. Có người quen cho một cặp thỏ về nuôi chơi, qua quá trình chăm sóc, anh thấy thỏ phát triển tốt, thức ăn, cách phòng bệnh đơn giản. Thỏ sinh sản nhanh và nhiều, có thể phát triển thành mô hình chăn nuôi thỏ thịt. Từ đó, anh quyết định đầu tư chăn nuôi thỏ một cách bài bản, quy mô.

Linh bắt tay xây dựng mô hình nuôi thỏ dựa trên hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo trước đây của bố mẹ để lại. Chỉ hơn 20 triệu đồng, anh đầu tư mua 30 con thỏ giống New Zealand và xây dựng khu chăn nuôi thỏ quy mô 45 lồng sắt và hệ thống máng ăn, cấp nước uống tự động.

Chuồng nuôi thỏ được đặt cách mặt bê tông khoảng 50 - 60 cm. Trên mỗi mặt chuồng có bảng ghi thông tin từng con thỏ như ngày nuôi, ngày sinh sản, ngày lấy giống.

Các thông số được ghi trên mỗi chuồng nuôi

Anh Linh cho biết, thỏ New Zealand là loài mắn đẻ. Thỏ giống sau 5-6 tháng thì bắt đầu sinh sản. Bình quân mỗi năm thỏ sinh sản từ 6-7 lứa, mỗi lứa trung bình từ 5-7 con. Thỏ con sinh trưởng nhanh, sau 1 tháng có thể bán thỏ giống, sau 3 tháng bán thỏ thịt. Loại thỏ thịt nặng trung bình 2,5 - 4 kg. Thỏ vừa nuôi con, vừa mang bầu, nên từ 5 - 15 ngày sau sinh đã có thể phối lứa mới, nên khả năng tăng đàn là rất nhanh. Vừa bán thỏ thịt, thỏ giống, vừa gây đàn, đến nay anh Linh đang có tổng đàn thỏ trên 400 con.

Theo kinh nghiệm của anh Linh, nuôi thỏ chỉ cần chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông thì thỏ sẽ phát triển tốt. Thỏ rất nhạy cảm, nên cần lưu ý thức ăn cho thỏ để tránh các bệnh đường ruột.

Thức ăn chủ yếu của thỏ hiện nay là một số loại cám có độ đạm thấp và các loại lá cây như: lá vông, lá mít, cỏ... Ngoài ra, để phòng bệnh cho thỏ, anh Linh trồng chè để cho thỏ ăn phòng bệnh đau bụng.

Linh cho hay, nhiều người cho rằng thỏ không cần uống nước là sai lầm vì nó rất cần nước để trao đổi chất. Thỏ chết không phải do uống nước hay ăn cỏ ướt mà vì uống phải nước bẩn và ăn rau bị nhiễm độc. Mỗi ngày thỏ cần từ 0,1 - 0,5 lít nước sạch.

Hệ thống nước uống của thỏ được anh Linh tự thiết kế tự động, vừa cung cấp nước sạch vừa đỡ tốn công thay nước

Về thức ăn, mỗi con thỏ cần lượng thức ăn bằng 30 - 40% trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Sau 12 giờ, thức ăn không được thỏ ăn hết cần loại bỏ và thay thức ăn mới để tránh ôi thiu, ẩm mốc làm thỏ bị tiêu chảy.

Hiện nay, để phục vụ đa dạng khách hàng trên địa bàn, Linh vừa bán giống vừa bán thỏ thịt. Loại thỏ thịt được anh bán với giá 80 ngàn đồng/kg.

Với việc cung cấp cho các nhà hàng, hộ gia đình, mỗi tháng anh Linh bán ra thị trường từ 1,5 - 2 tạ thỏ thịt và khoảng 10 cặp thỏ giống (từ 100 - 150 ngàn đồng/kg thỏ giống), mang lại nguồn thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng sau trừ chi phí.

Linh cho biết với số lượng thỏ này, gia đình anh chỉ cần một nhân công cho thỏ ăn, vệ sinh chuồng trại và chuẩn bị thức ăn cho thỏ, công việc rất nhàn. Trong thời gian tới, Linh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và tận dụng diện tích đất sẵn có trồng các loại cây để tạo nguồn thức ăn cho thỏ, giảm thức ăn công nghiệp, từng bước chuyển dần mô hình sang nuôi thỏ hữu cơ.

Thành công với mô hình nuôi dúi

Chỉ sau hai năm, anh Hán Sơn Trường, sinh năm 1990, ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N'Đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), đã phát triển thành công mô hình nuôi dúi, đem lại mức thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi dúi đang cho thấy phù hợp với thanh niên khởi nghiệp tại địa phương.

Anh Hán Sơn Trường, sinh năm 1990, ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N'Đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã thành công với mô hình nuôi dúi-1 con đặc sản đang được thị trường ưa chuộng.

Sau khi học hết lớp 10, Trường đi học nghề cơ khí với dự định mở cơ sở sửa chữa xe ô tô. Nhưng khi học xong, về địa phương thấy nhu cầu không lớn, tiềm năng ít, nên Trường tìm hướng khác lập nghiệp.Năm 2012, sau khi mua được 40 con dúi của người dân với giá 5 triệu đồng, Trường dành 1 khoảng đất chừng 50m2 làm chuồng nuôi. 

Ngay khi bắt tay vào nuôi dúi, Trường vấp phải khó khăn do thiếu kinh nghiệm, dúi phát triển chậm. Việc ghép đôi dúi để nhân giống cũng khó khăn, nên con đực và con cái không giao phối được.

Thất bại trong việc nhân giống khiến việc nuôi dúi của Trường trở nên bế tắc. Không nản chí, Trường tìm hiểu thông tin trên mạng internet, mày mò học hỏi kỹ thuật, cách nuôi dúi. 

Qua đó, Trường hiểu được quá trình phát triển của dúi, nhất là quá trình ghép con đực, con cái để có những điều chỉnh cách nuôi phù hợp. 

Sau nhiều ngày tháng "ăn ngủ với dúi", Trường đã nhân giống thành công, dúi liên tục tăng đàn và phát triển tốt. Từ đây, Trường tuyển lựa những con dúi giống chất lượng để ghép đôi, sinh sản.

Thức ăn cho dúi sẵn có trong tự nhiên

Trường cho biết, phải qua thế hệ F3, dúi mới phát triển ổn định, sinh sản và chăm con tốt trong môi trường chuồng nuôi. Năm 2018, Trường đã đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô 300m2 và duy trì 500 cặp dúi giống và dúi thịt. 

Chuồng nuôi dúi ở vị trí yên tĩnh, kín gió, không để nắng chiếu trực tiếp. Trong chồng, Trường sử dụng gạch ốp nền nhà để ngăn thành từng ô cho mỗi con dúi. Đây là cách làm đơn giản nhưng rất hiệu quả vì hạn chế được khả năng đục khoét, đào bới của dúi. 

Trường chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi: "Hai điều cần chú ý khi nuôi dúi là chuồng trại phải tốt (vì liên quan đến môi trường sống cho dúi) và thứ hai là con giống phải thuần chủng".

Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 7 - 8 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Trong quá trình ghép đôi, cần theo dõi thường xuyên, nếu hai cá thể không xung đột, cắn nhau thì ghép đôi với nhau. Sau ghép đôi 15 ngày phải tiến hành tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm...

Nuôi dúi tốn ít công, thời gian chăm sóc.

Theo Trường, mỗi năm dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng đạt khoảng 500-700g, dúi thương phẩm nuôi 8 tháng xuất chuồng có trọng lượng đạt từ 1 - 1,2 kg. Thức ăn cho dúi chủ yếu thân cây tre, mía, cỏ voi, bắp hạt khô… Nói chung, nguồn thức ăn cho dúi rất sẵn có tại địa phương, có thể tận dụng để chăn nuôi.

Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô, nên thường 3 - 5 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Dúi chịu lạnh tốt. Mùa hè có thể phun sương trên mái che tạo nhiệt độ dưới 330C để dúi sinh trưởng, phát triển tốt. Để chủ động lượng thức ăn cho dúi, Trường đã trồng 3 sào mía và thuê nhân công lên rừng chặt tre 2 lần mỗi tháng để cung cấp thêm cho dúi. Bên cạnh đó, mỗi tuần Trường cho dúi ăn thêm xương heo, xương trâu, bò hoặc giun đất để cung cấp thêm khoáng chất.

Thịt dúi thuộc diện món ăn đặc sản, thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Trong khi đó, dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. 

Hiện nay, gia đình Trường đang bán cho các đầu mối thu mua dúi thịt và dúi giống với giá 500 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của Trường, năm vừa qua, doanh thu của mô hình nuôi dúi của anh đạt khoảng 700 triệu đồng, trong đó trừ 150 triệu chi phí.

Anh Trần Anh Ba, Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Nô đánh giá, mô hình nuôi dúi của Trường là điểm sáng về khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên trên địa bàn huyện. Một trong những ưu điểm lớn của mô hình này là chuồng trại đơn giản, kỹ thuật nuôi không khó, thức ăn có thể tận dụng và sẵn có tại địa phương và hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn. 

Thời gian qua, mô hình nuôi dúi của Trường đã trở thành điểm thăm quan, học tập kinh nghiệm khởi nghiệp của nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. "Trường là thanh niên cởi mở và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật nuôi dúi cho các thanh niên muốn khởi nghiệp bằng nuôi dúi", anh Ba cho biết.

                                                                         Bài ảnh: Đức Hùng

                                                                 Nguồn:http://www.baodaknong.org.vn                                                               

 

Video

http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la

Liên kết website

Thống kê

Đang có 17 khách và không thành viên đang online

porno peliculasXXX porno phim-sex