Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng với đam mê làm kinh tế nông nghiệp và quyết tâm làm giàu, Vũ Sơn Tùng (thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã quyết định chọn mảnh đất Đắk Nông để lập nghiệp.
Là kỹ sư tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội và là cán bộ của Ban quản lý dự án Giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, năm 2013, Vũ Sơn Tùng quyết định nghỉ việc. Thời gian đầu, anh phụ giúp bố mẹ tại trang trại nuôi heo ở huyện Đắk Song. Sau một năm học hỏi kinh nghiệm, đầu năm 2014, anh quyết định về thôn Tân Lợi, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa lập trang trại chăn nuôi heo. Trong trang trại, anh xây dựng 3 khu nhà riêng biệt để có chế độ chăm sóc phù hợp cho từng giai đoạn gồm heo mới cai sữa, heo nhỡ, heo chuẩn bị xuất thịt. Trong từng căn chuồng đều có hệ thống chống nóng, giàn máy quạt điều hòa không khí, máng ăn tự động, rãnh tắm. Với vốn đầu tư 5 tỷ đồng và diện tích gần 1ha, trang trại của Vũ Sơn Tùng hiện nay cũng là trang trại chăn nuôi heo lớn nhất thị xã Gia Nghĩa.
Đ/c H'Vi Ê Ban - Bí thư Tỉnh đoàn trao đổi cùng Vũ Sơn Tùng (đứng giữa) và đoàn viên, thanh niên
Chia sẻ về lý do từ bỏ công việc Nhà nước ổn định để chuyển hướng sang mô hình trang trại chăn nuôi nhiều vất vả, Vũ Sơn Tùng cho biết: “Mặc dù đã thi đậu công chức và làm đúng chuyên ngành nhưng do xuất phát từ gia đình, bố mẹ cũng làm nông nghiệp cùng với đam mê và khao khát làm giàu, làm kinh tế nông nghiệp, mình đã quyết định nghỉ việc. Nhận thấy Đắk Nông là mảnh đất có nhiều yếu tốt thuận lợi như quỹ đất, khí hậu phù hợp với việc chăn nuôi. Bên cạnh đó, chính quyền thị xã và tỉnh cũng tạo nhiều điều kiện nên mình đã quyết định chọn Đắk Nông để lập nghiệp”.
Với quyết tâm và sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, đến nay, mỗi năm anh nuôi 02 lứa/năm, số lượng 3.400 con/lứa theo hình thức nuôi gia công. Đây là hình thức nuôi liên kết với doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, mô hình của anh cho thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho 06 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Công nhân dọn vệ sinh chuồng trại
Ngoài việc đầu tư 3 khu nhà riêng biệt thì vấn đề xử lý chất thải cũng được đầu tư. Hiện tại, trang trại đã đầu tư hệ thống biogas bằng bạt công nghiệp HDPE với công suất 4.000m3. Việc đầu tư bạt công nghiệp sẽ giúp cho trang trại xử lý phân sống để sản xuất phân vi sinh, có độ bền cao, kín tuyệt đối nên tránh phát tán mùi ra môi trường, không bị ăn mòn bởi axit hay bazơ. Khí mê tan từ hầm biogas được sử dụng làm chất đốt, sử dụng máy phát điện phục vụ chiếu sáng chuồng trại.
Nói về dự định trong thời gian tới, Vũ Sơn Tùng chia sẻ anh sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp cận các công trình nghiên cứu xử lý nước thải, xử lý nguồn phân một cách có hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế tốt hơn.
Với những thành công đã đạt được, năm 2016, Vũ Sơn Tùng vinh dự được Ban thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông tuyên dương là gương thanh niên tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác.
Bài, ảnh: Thu Hà